Quy trình 7 bước giải quyết hồ sơ tồn đọng Người có công
Theo kết quả cuộc Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công, hiện còn 28.500 trường hợp kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Trong số đó, có 5.900 hồ sơ kê khai đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Lý do chính là một bộ phận đủ điều kiện song khi lập hồ sơ lại không đủ căn cứ để chứng minh theo quy định. Một bộ phận không đủ điều kiện nhưng vẫn cứ lập hồ sơ đề nghị....
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, nhằm hướng dẫn các địa phương thực hiện và giải quyết cơ bản trong năm 2017. Theo đó, quy trình gồm 7 bước: Sở LĐTBXH nghiên cứu hồ sơ, tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh thành phố; họp Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành cho ý kiến; các cơ quan được phân công hoàn thiện hồ sơ và xác minh theo yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố và gửi lại hồ sơ cho Sở LĐTBXH để tiếp tục nghiên cứu đề xuất cho Ban chỉ đạo; công khai và thu thập thông tin; Ban chỉ đạo cấp tỉnh thành phố họp nghe Sở LĐTBXH báo cáo tình hình và kết quả thu thập ý kiến và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và cho ý kiến từng trường hợp; Tổ công tác T.Ư nghiên cứu từng hồ sơ đã hoàn thiện và đề xuất ý kiến tường trường hợp nào đủ điều kiện để giải quyết và cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Trường hợp nào không đủ điều kiện giải quyết với lý do tại sao; đề nghị xác nhận chính thức.
Do hồ sơ thất lạc nên quy trình 7 bước cần được làm chặt chẽ, trong đó quan trọng là minh bạch thông tin. Khi thực hiện quy trình này cũng đã phát hiện trường hợp chưa chính xác nên sau khi hoàn tất hồ sơ, việc công khai thông tin minh bạch cần làm rộng rãi.
Mai Anh