Quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự và gọi nhập ngũ (05/07/2011)
Theo quy định tại Điều 19 Luật nghĩa vụ quân sự năm 1981, đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1994, 2005 (sau đây gọi tắt là Luật NVQS) thì “Tháng một hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, hiệu trưởng các trường dạy nghề, các trường trung học, thủ trưởng các cơ quan, người phụ trách các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và các đơn vị cơ sở khác phải báo cáo danh sách công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó cho Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ quốc phòng".
Trên cơ sở danh sách này, “Tháng tư hàng năm, theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm và những người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự chưa được đăng ký phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú xuất trình chứng minh nhân dân, kê khai lý lịch để đăng ký lần đầu vào sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ.” (Điều 17 Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09/11/2001 về đăng ký nghĩa vụ quân sự).
Cũng theo Nghị định này, đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc kê khai lý lịch và những yếu tố cần thiết khác theo quy định của pháp luật của người trong độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự, để cơ quan quân sự địa phương quản lý và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự đối với các đối tượng trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với tất cả các công dân nam từ đủ 17 tuổi.
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư Liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng số 14/2006/TTLT-BYT-BQP ngày 20/11/2006 hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự thì việc khám sức khỏe được thực hiện với các đối tượng là công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự và công dân dự thi tuyển sinh quân sự, tiến hành tại y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; còn việc kiểm tra sức khỏe được thực hiện với các đối tượng là công dân đủ 17 tuổi thuộc diện đăng ký nghĩa vụ quân sự; quân nhân dự bị, tiến hành tại trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc huyện.
Đối chiếu với các quy định nói trên thì em bạn sinh năm 1993 nên được coi là đối tượng “đủ 17 tuổi trong năm đó” nên thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự và có thể được gọi kiểm tra sức khỏe tại trạm y tế xã. Nếu UBND xã gửi thông báo yêu cầu em bạn đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế cấp huyện để làm nghĩa vụ quân sự là không đúng với quy định nói trên.
Về trách nhiệm trong sai sót ngày sinh của em bạn, việc này xuất phát từ việc sai sót trong thống kê công dân sẵn sàng nhập ngũ. Điều 61 Luật nghĩa vụ quân sự quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Hiệu trường các trường dạy nghề, Trung học chuyên nghiệp, trường Cao đẳng, trường Đại học, Thủ trưởng cơ quan, người phụ trách các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và các đơn vị cơ sở khác phải thống kê quân nhân dự bị và công dân sẵn sàng nhập ngũ của cơ sở mình để báo cáo với Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ quốc phòng”. Căn cứ vào quy định trên, trách nhiệm thống kê sai ngày sinh của em trai bạn thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã nơi gia đình bạn đang cư trú. Gia đình bạn có thể gửi đơn đến Chủ tịch UBND cấp xã để đề nghị sửa chữa sai sót này.
Theo quy định tại Điều 12 Luật NVQS thì: “Công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi”. Tuy nhiên, việc gọi nhập ngũ đối với những công dân đủ điều kiện sức khỏe để nhập ngũ cũng chỉ được thực hiện khi công dân đó đủ 18 tuổi (tuổi đủ là tuổi tính tròn 12 tháng cho một tuổi, ví dụ em ban sinh ngày 14/11/1993 thì phải đến ngày 14/11/2011, em bạn mới đủ tuổi để nhập ngũ).
Khoản 1 Điều 29 Luật nghĩa vụ quân sự còn quy định những công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình như sau: “Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe; Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; Giáo viên, nhân viên y tế, thanh niên xung phong đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến làm việc ở những vùng này; Đang nghiên cứu công trình khoa học cấp Nhà nước được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc người có chức vụ tương đương chứng nhận; Đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học do Chính phủ quy định; Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”.
Hoàng Linh (TH)