Quy định thành lập Hội Cựu chiến binh trong doanh nghiệp

Cụ thể, trong doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện thành lập Hội Cựu chiến binh thì được tổ chức như sau: Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng thì Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở cùng với tổ chức Đảng tại doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện cụ thể phối hợp với doanh nghiệp thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh nghiệp đó.
Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, nếu người lao động là cựu chiến binh có nhu cầu thành lập hội thì tổ chức Đảng cấp trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp và Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở xem xét, quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh nghiệp đó.
Một số quy định về quyền lợi của cựu chiến binh cũng đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước hoặc tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi từ trần được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
Cựu chiến binh cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động được Hội Cựu chiến binh cơ sở đề nghị, chính quyền địa phương xác nhận thì được ưu tiên tiếp nhận vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng của xã hội; cựu chiến binh được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Cựu chiến binh trong các cơ quan làm công tác Hội Cựu chiến binh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành, được tham gia thi tuyển vào các trường đào tạo của trung ương, địa phương để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội. Kinh phí đào tạo do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chế độ đào tạo cán bộ, công chức hiện hành.
CP