Quy định 5 nhóm đối tượng công chức (02/02/2010)

  • Cụ thể như sau:*

Công chức trong các cơ quan của Đảng, làm việc trong các cơ quan, tổ chức ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan chuyên trách Đảng ủy cơ sở và cấp trên cơ sở trong các cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở lên.

Công chức trong các cơ quan của Nhà nước, làm việc trong các vụ, cục, văn phòng thuộc cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án Nhân dân; Viện kiểm sát Nhân dân, Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, huyện và các cơ quan chuyên môn.

Công chức làm việc trong các cơ quan ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện của tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

Công chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân hoặc thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng.

Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ban Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao... Nghị định còn quy định rõ công chức trong cơ quan của tổ chức chính trị-xã hội từ trung ương tới cấp tỉnh, huyện gồm Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng ban, Phó trưởng ban... và người làm việc trong bộ phận giúp việc của Ủy ban thuộc tổ chức chính trị-xã hội có vị trí tương đương cấp Trung ương-tỉnh-huyện.

Ngoài ra, công chức còn là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước... Cũng theo Nghị định này, công chức được cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp... do các tổ chức đó trả lương.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2010

 A. Hoàng