Quốc hội xem xét đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 11/6, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đầu giờ sáng, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Cuối buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật.

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Sau đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội họp để thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thư viện.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thư viện.

Liên quan đến việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chiều 10/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Nghị quyết số 81).

Theo đó, bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 của Nghị quyết số 81 như sau “Điều 1a: Việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014: kể từ ngày 10/6/2019 đến ngày 1/2/2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 5 năm làm Thẩm phán cao cấp”.

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung  Nghị quyết số 81, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Ngày 6 và ngày 7/6/2019, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81. Các đại biểu đều tán thành cao với sự cần thiết phải ban hành, phạm vi điều chỉnh và nội dung dự thảo Nghị quyết như Báo cáo thẩm tra số 1959/BC-UBTP14 ngày 5/6/2019 của Ủy ban Tư pháp.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn hơn lý do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo thủ tục rút gọn và đề nghị bổ sung việc ban hành Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, việc thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là vấn đề cấp bách đang phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nếu không được giải quyết kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và việc kiện toàn lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc bổ sung nội dung này vào Chương trình Kỳ họp thứ 7. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn theo “trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn” quy định tại Khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, có ý kiến đề nghị làm rõ sau khi bổ sung Nghị quyết số 81 thì sau năm 2022 có tiếp tục phải sửa đổi Nghị quyết này hay không và đề nghị thay vì sửa đổi Nghị quyết số 81 thì sửa điểm a khoản 1 Điều 69 theo hướng:… “đã là Thẩm phán cao cấp từ đủ 5 năm trở lên trừ trường hợp đặc biệt”. UBTVQH nhận thấy, những khó khăn trong việc thiếu nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ phát sinh trong giai đoạn quá độ hiện nay khi chuyển giao giữa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 với Luật năm 2014.

Từ năm 2022 trở đi thì nguồn Thẩm phán cao cấp để bổ nhiệm Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã được bảo đảm, đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ. Vì vậy, từ năm 2022 trở đi sẽ không phải sửa Nghị quyết số 81 và cũng không cần thiết sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Đồng thời, UBTVQH đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tăng cường công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ để chủ động nguồn bổ nhiệm Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cho các giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị, để bảo đảm chất lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì cần quy định thêm điều kiện để được xem xét, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Nghị quyết này là đã giữ ngạch Thẩm phán cao cấp tối thiểu là: 12 tháng, 30 tháng hoặc 36 tháng. UBTVQH nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ hiện nay, do nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đang gặp nhiều khó khăn nên đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Nghị quyết.

UBTVQH lưu ý Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình tổ chức thực hiện, khi lựa chọn các nhân sự cụ thể cần cân nhắc thận trọng, bảo đảm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn luật định nhưng chú ý lựa chọn những người đã có thời gian nhất định giữ ngạch Thẩm phán cao cấp, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tránh bổ nhiệm những người có thời gian giữ ngạch Thẩm phán cao cấp quá ngắn...

PV