Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ (31/05/2013)
Nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại hệ thống chính sách giảm nghèo hợp lý hơn, tránh chồng chéo, đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một cách thực chất và bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất các địa phương cần rà soát lại đối tượng thuộc diện nghèo vì đây là cơ sở cho việc lập chương trình cụ thể trước mắt và lâu dài. Trung ương tiếp tục đầu tư cho người nghèo với mức vốn ngày càng cao; quan tâm hơn nữa tạo vốn cho người nghèo sản xuất, kinh doanh; tập trung xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới đồng thời, phát triển quỹ xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn vốn ổn định và tăng quy mô, phạm vi cho vay; đổi mới chính sách với người nghèo, trong đó có chính sách giao đất giao rừng cho người dân tộc thiểu số...
Đánh giá cao công tác giảm nghèo thời gian qua, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, tuy nhiên nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng kết quả này chưa thực sự bền vững, chưa đồng bộ và còn mang tính nhất thời, mới chỉ cho người dân “con cá” chứ chưa lo cho họ cái “cần câu.”
Đề cập những giải pháp căn cơ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo ý kiến của nhiều đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết mục tiêu đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tăng mạnh đầu tư ngân sách nhà nước để đảm bảo sau 5 năm, mức tăng tối thiểu là 2 lần. Trong bố trí phân bổ ngân sách, đến 2013 đã phân bổ nguồn vốn đầu tư là 131.000 tỷ đồng, tăng trên 2,5 lần so với năm 2009. Tỷ trọng chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tăng từ 32,8% năm 2008 lên 41,3% trong dự toán năm 2013. Dư nợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xuất khẩu vay năm 2012 tăng 12,5%, mức cho vay được ưu tiên cao hơn; mức lãi suất so với các năm từ 2011, bình quân thấp hơn mức chung từ 2-3%.
Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đồng tình cao rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề. Vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Các đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề nổi cộm; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp đã đề ra và nghiên cứu tiếp thu những nhóm giải pháp mà đại biểu Quốc hội kiến nghị, đề xuất, tập trung chỉ đạo điều hành để khắc phục nhanh những khó khăn tồn tại; khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.
Hoàng Linh(TH)