Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cho rằng thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đều không có đoạn Mở đầu mà nêu ngay căn cứ và cơ quan ban hành văn bản. Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật cũng thể hiện quan điểm không nên có đoạn Mở đầu; trường hợp cần nhấn mạnh vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì nên được thể hiện thành các nội dung điều khoản trong Luật.

Một số ý kiến khác đề nghị vẫn giữ đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhưng có sửa đổi, bổ sung nhằm khẳng định truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thể hiện rõ vai trò, vị trí và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức kết nối giữa Nhân dân với Đảng, với Nhà nước. Đây là một đặc thù của hệ thống chính trị ở Việt Nam mà nhiều nước không có. Việc giữ đoạn Mở đầu rất ngắn gọn không làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như nội dung của Luật.

Đối với hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, so với Luật hiện hành, Chương V của dự thảo Luật quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mở rộng hơn phạm vi giám sát, đối tượng giám sát nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù khoản 1 Điều 26 của dự thảo Luật khẳng định “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước...” nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước.”

Về hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Chương VI), các ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp đều ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên tách thành hai điều riêng về đối tượng phản biện và nội dung phản biện thay cho việc ghép lại như trong dự thảo; cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, nguyên tắc tổ chức phản biện của Mặt trận Tổ quốc… Tại khoản 2 điều 35 quy định Mặt trận Tổ quốc gửi văn bản lấy ý kiến phản biện trong hệ thống tổ chức của mình, đại biểu cho rằng để quy định chặt chẽ hơn, quy định này cần sửa lại thành Mặt trận Tổ quốc gửi văn bản, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến phản biện trong hệ thống chính trị của tổ chức mình.

PV