Quốc hội thảo luận về dự án luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước

Tờ trình về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town) do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày nêu rõ: Công ước và Nghị định thư được ký tại Cape Town, Nam Phi vào ngày 16/11/2001, là kết quả của Hội nghị ngoại giao tại Cape Town (Nam Phi) do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Viện thống nhất tư pháp quốc tế (UNIDROIT) đồng tổ chức. Đến nay có 59 quốc gia và một tổ chức quốc tế là thành viên của Công ước và có 53 quốc gia và một tổ chức quốc tế là thành viên của Nghị định thư. Công ước và Nghị định thư Cape Town được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển; tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không. Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế.

Cho rằng việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là hết sức cần thiết, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định: Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn, cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó mang lại lợi ích cho các hãng hàng không của Việt Nam; tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam; có lợi cho người tiêu dùng; giảm chi phí kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống pháp luật Việt Nam tiếp cận hệ thống pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế... Đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư và quản lý vốn Nhà nước; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Đồng thời, việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong quản lý kinh tế.

Đối với phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư, các đại biểu cho rằng một trong những lý do của việc ban hành luật là để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả đối với nguồn vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hạn chế sự thất thoát, lãng phí. Muốn vậy, luật cần siết chặt phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn, các loại hình doanh nghiệp mà Nhà nước tham gia đầu tư vốn. Trong khi đó đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư quy định trong dự án Luật là tương đối rộng rãi, chung chung, thiếu cụ thể. Quy định như dự án Luật không siết chặt được mà còn tạo kẽ hở, hợp thức hóa việc chạy đua đầu tư.

PV