Qua thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự án Luật, bởi thực tế hiện nay, nhiều vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ. Các đại biểu cho rằng cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền của trẻ em, tránh việc lợi dụng, thương mại hóa vấn đề này. Về bản chất mang thai hộ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhưng thực tế hậu quả khôn lường bởi vấn đề này vẫn mang tính chất thương mại, gây xung đột, làm tổn thương đến người mẹ và trẻ em mà pháp luật khó có cơ sở để xử lý. Trong điều kiện hiện nay, nếu chưa đủ các điều kiện cụ thể và kỹ thuật y học, chưa nên quy định vấn đề này.

Đối với việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình, nhiều đại biểu tán thành với quy định của dự án luật bởi quy định này thể hiện được sự bảo tồn phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam; giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có một tập quán riêng, đó là các quy tắc quy định xử sự của từng cộng đồng. Những tập quán này mang tính ràng buộc, tính cộng đồng cao. Đồng bào dân tộc coi tập quán quan trọng không kém các quy định của pháp luật. Nếu thực hiện tốt các quy tắc xử sự tốt đẹp này cũng là góp phần thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên có những đại biểu lại cho rằng, mỗi dân tộc có một tập quán riêng, rất khó có thể xác định phong tục tập quán nào là quy chuẩn để áp dụng quy tắc ứng xử rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Đại biểu đề nghị không nên quy định áp dụng phong tục tập quán trong hôn nhân và gia đình vì không có tính khả thi và không sát với thực tiễn.

PV