Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Khiếu nại, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (30/10/2010)

**Cần quy định rõ về khiếu nại đông người **

Dự thảo Luật Khiếu nại gồm 8 chương, 75 điều được xây dựng trên cơ sở Luật Khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005, cùng với việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành với các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, việc xây dựng Luật này là nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, cần phải coi đâu là một nguyên tắc quan trọng và cần được nhấn mạnh trong quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật.

Góp ý về dự thảo Luật Khiếu nại trong phiên thảo luận tại tổ sáng nay, 29-10, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với một số ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, những nội dung được sửa đổi, bổ sung của dự án Luật về cơ bản không khác so với cơ chế giải quyết khiếu nại của pháp luật hiện hành - một cơ chế đã tồn tại trên 30 năm với tính nhân văn là tạo cơ hội cho người bị khiếu nại sửa sai, nhưng trên thực tế lại không có hiệu quả. Vì vậy, không nên tiếp tục duy trì cơ chế giải quyết khiếu nại như hiện nay.

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, chúng ta phải xem xét lại cơ chế giải quyết khiếu nại đã được hình thành trong Luật khiếu nại, tố cáo từ năm 1998 đến nay có hiệu quả hay không? Và trong dự thảo Luật Khiếu nại lần này có giải quyết được những hạn chế đó hay không? Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện chúng ta chỉ mới thực hiện tách một cách cơ học Luật Khiếu nại, tố cáo thành 2 Luật riêng là Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Nếu chỉ đơn thuần tách một cách cơ học như vậy mà không có điểm gì mới thì không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.*** ***

Đại biểu Trần Du Lịch ( TP Hồ Chí Minh) cho rằng thiên về hướng khuyến khích hòa giải trước khi khởi kiện; để giảm bớt số vụ việc tố tụng hành chính. “Để tránh việc cơ quan hành chính lợi dụng quy định về hòa giải để kéo dài không giải quyết, Luật đã quy định khá chặt chẽ. Mọi văn bản của Ủy ban dù miệng hay thông báo... có nội dung phân xử đều có thể coi là đã qua hòa giải”. Đại biểu Trần Du Lịch giải thích không nên đưa quy định nội dung về “khiếu nại đông người” thành một điều riêng, “đưa vô là tự “trói mình”, còn việc cố tình tổ chức tụ tập đông người để gây rối được chế định ở những văn bản pháp quy khác.

Liên quan đến thời hạn giải quyết khiếu kiện theo quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Tất Thành Cang (TP Hồ Chí Minh) nhận xét: “Thực tiễn công tác ở cơ sở cho thấy thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại 30-45 ngày vẫn là quá ngắn. Ở TPHCM, với số lượng đơn thư khiếu nại rất lớn, trong đó đơn thư khiếu nại lần hai do Chủ tịch UBND TP phải ra quyết định giải quyết lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thì chắc chắn vi phạm về thời hạn”. Các đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, Đặng Huyền Thái (Hà Nội), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) có chung quan điểm rằng quy định này rườm rà.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội Đặng Văn Kiện cho rằng, người khiếu nại cùng một nội dung nhưng luật lại quy định từng người một viết đơn có phải là cá thể hóa người khiếu nại.Thực tế, có một trường hợp, vấn đề liên quan đến hàng chục hộ dân mà nếu các hộ làm từng đơn riêng lẻ thì đi kèm với nó sẽ là hàng chục quyết định xử lý. Đây là điều không hợp lý. Khiếu kiện đông người đang gây bức xúc nhưng luật chỉ quy định về trình tự hướng dẫn chung chung như làm đơn thế nào, gửi ra sao là chưa ổn. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ, cụ thể về trình tự tiếp nhận và giải quyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long (đại biểu Đăk Lăk) thẳng thắn, cơ quan soạn thảo chưa nghiên cứu kỹ về giải pháp cho khiếu kiện đông người, dẫn đến “kính chuyển” lòng vòng, người dân chờ đợi. “Nếu không cứ chuyển đơn như hiện nay chúng ta không thể thống kê đầy đủ tính chất khiếu nại của đơn thư gửi quá nhiều nơi. Ngay như Quốc hội nhận được đơn, nếu trong thẩm quyền, ta có thể tiến hành giám sát”, đại biểu Long kiến nghị.

Về khiếu nại đông người, đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật giải thích khái niệm “khiếu nại đông người là nhiều người cùng khiếu nại” là không hợp lý, vì thực chất khiếu nại đông người là hình thức biểu tình quy mô nhỏ. Dự luật quy định, khiếu nại đông người cùng một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết hướng dẫn từng người một viết đơn riêng lẻ là không thực tế, mà nên có quy định cử người đại diện đến làm việc và viết đơn. Nếu quy định khiếu nại đông người vào Luật Khiếu nại, thì phải quy định rõ số lượng người tham gia khiếu nại đông người tối đa là bao nhiêu, để khi vượt quá số lượng người này thì chuyển sang phạm vi áp dụng của luật khác, có cách giải quyết khác.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, về nội dung khiếu nại đông người, dự thảo Luật nên làm rõ thêm khái niệm khiếu nại đông người, trình tự và cách giải quyết cụ thể để tránh gây khó khăn vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý đối với loại khiếu nại này.

Lý giải phần nào tình trạng khiếu nại đông người, đại biểu H'Luộc N Ntơr (Đắk Lắk), nêu thực tế là năng lực cán bộ của nhiều địa phương còn yếu kém, chưa chịu khó học hỏi, nghiên cứu để giải quyết cho dân, làm người dân bức xúc thêm dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài là khó tránh khỏi.

Một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa giải quyết được các bức xúc hiện nay về khiếu nại, chủ yếu liên quan đến đất đai, nhà cửa. Xét khía cạnh văn bản quy phạm pháp luật, đây chỉ là “tách” Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.

Nhiều đại biểu kiến nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, không chỉ giới hạn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà cần điều chỉnh cả việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức (không phải là cơ quan hành chính nhà nước) thuộc mọi lĩnh vực (trừ lĩnh vực tố tụng). Có như vậy, mới phù hợp với phạm vi quyền khiếu nại của công dân.

Bên cạnh đó, các vấn đề phạm vi điều chỉnh, khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính, luật sư tham gia vào quá trình khiếu nại của công dân cũng được nhiều đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo làm rõ.

Người tiêu dùng cần có quyền được cung cấp thông tin** **

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 6 chương, 51 điều, nhiều ý kiến cho rằng một số điều khoản còn chung chung khó khả thi trong việc hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, dự thảo Luật chưa có điều khoản quy định riêng về vấn đề quảng cáo.

Trên thực tế việc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm hàng hóa đang diễn ra khá phổ biến khiến người tiêu dùng (NTD) tin tưởng vào quảng cáo mà “tiền mất tật mang”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho hay, NTD thường tin vào quảng cáo, trong khi thực tế nhiều sản phẩm quảng cáothổi phồng về chất lượng.

Đơn cử mặt hàng sữa, đại biểu cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang quảng cáo sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng, sữa hoàn nguyên…nhưng NTD không được biết rõ thực hư thế nào.

ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) đề xuất ghi rõ trong dự Luật việc cấm quảng cáo hàng hóa sai sự thật, quảng cáo nhập nhằng gây nhầm lẫn cho NTD và nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm minh đểcó tácdụngrăn đe. Bên cạnh đó, ĐB Phi cũng cho hay, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho NTD khi mua hàng hóa cần lấy hóa đơn, chứng từ để được đảm bảo quyền lợi.

Ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị người tiêu dùng cần có quyền được cung cấp thông tin, hướng dẫn về hàng hóa.

Hiện nay việc tiếp thị hàng hóa và dịch vụ được các tổ chức kinh doanh, sản xuất thể hiện dưới nhiều hình thức và do những người có kinh nghiệm thực hiện, trong khi người tiêu dùng lại không có kiến thức và kinh nghiệm về kỹ năng tiêu dùng.

Thực tế cho thấy người tiêu dùng không chỉ bị xâm hại về số lượng, chất lượng mà còn cảgiá cả. Do đó, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung việc khảo sát giá hàng hóa và quy định về việc người tiêu dùng có quyền tẩy chay hàng hóa đối với các sản phẩm xâm hại nghiêm trọng sức khỏe.

Ngoài ra các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề về thương lượng và hòa giải, về giải quyết tranh chấp tại tòa án cũng như phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

TRÍ KIÊN