Nhiều ý kiến cho rằng không bổ sung các quy định pháp luật đối với một số hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại các vùng nước không phải “đường thủy nội địa” vào “phạm vi điều chỉnh” mà nên quy định về “áp dụng pháp luật” đối với phần mặt nước không phải là đường thủy nội địa tại một Điều ở Chương IX của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 để đảm bảo tính logic pháp lý.

Để bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng trong trường hợp bất khả kháng và trên vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải; đồng thời quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm an toàn giao thông nói chung, đặc biệt là trách nhiệm trong việc cảnh báo những khu vực nguy hiểm đối với hoạt động giao thông đường thủy nội địa, việc bổ sung quy định áp dụng pháp luật đối với một số hoạt động của phương tiện giao thông đường thủy nội địa ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải tại Điều 101a là hợp lý.

Theo dự thảo luật, bến thủy nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện neo, đậu xếp dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác. Bến thủy nội địa gồm bến hàng hóa, bến hành khách, bến tổng hợp, bến khách ngang sông, bến chuyên dùng và bến dân sinh. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa. Các đại biểu cũng đề nghị cấm tuyệt đối sử dụng cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy nội địa.
Hoàng Linh