Quất cảnh “nằm” lại vườn khiến người trồng héo hon
Tết Nhâm Dần 2022, nhiều hộ dân chỉ bán được từ 30 đến 70% số cây quất trong vườn.
Trong những ngày đầu Xuân, khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua đi chưa lâu, chỉ cần dạo qua hai làng trồng quất cảnh nổi tiếng của Hà Nội là Tứ Liên, Quảng Bá (phường Tứ Liên và Quảng An, quận Tây Hồ), thì thấy bạt ngàn những cây quất “nằm” lại đầy vườn. Chỉ rất ít vườn quất bán được hết số cây trong dịp Tết, trong khi đại đa số các hộ dân đều chỉ bán được từ 30 đến 70% số cây trong vườn.
Tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều chủ vườn quất, họ đều buồn bã, than vãn vì quất cảnh quá ế ẩm, bán rất ít người mua. Chị Nguyễn Thị Hồng, năm nay 48 tuổi, chủ nhân của một vườn quất cảnh 250 gốc ở Tứ Liên, kể rằng hiện tại vườn nhà chị còn khoảng 130 cây “nằm” lại. Nghĩa là dịp Tết vừa qua chỉ bán hết khoảng một nửa. Chị Hồng than thở: “Đại dịch Covid-19 quả là quá kinh khủng, khi nó làm ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực, mọi mặt của xã hội. Không riêng Tết năm nay, mà mùa Tết năm 2021, vườn nhà tôi cũng tồn đọng gần 100 cây quất không bán được. Từ khi tôi bắt đầu theo nghề trồng quất cảnh cho tới nay đã hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy “thảm” và khổ sở như 2 năm nay…”.
Cùng chung cảnh ngộ như gia đình chị Hồng, anh Lê Văn Tâm, có vườn quất 180 gốc kế sát bên, dịp Tết vừa rồi bán trầy trật cũng chỉ được khoảng 100 cây, nghĩa là vẫn còn ế 80 cây nữa. Anh Tâm kể rằng: Để trồng, chăm sóc, uốn tỉa được số quất trong vườn phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền bạc đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu; rồi công sức của cả hai vợ chồng bỏ ra trong cả 1 năm dài, khi tới Tết mà chỉ bán được một nửa số cây trồng thôi thì coi như bị lỗ vốn.
Theo như lời kể của người dân trồng quất thì riêng làng hoa Tứ Liên và Quảng Bá, từ bao năm nay chưa bao giờ có tình cảnh ế ẩm, khi khách đều lên tận vườn để mua mang về trưng chơi Tết. Kể cả việc phải bứng quất mang đi bán tại chợ hoa, hay bán lề đường là rất hy hữu, khi các cây đó thưa quả, hay dáng dấp không tròn, đều…
Đi dọc con đường đê quai ven sông Hồng từ Tứ Liên lên Quảng Bá, có rất nhiều những cây quất còn nằm lại vườn sai trĩu quả, chín vàng. Nhìn những vườn quất “cười” rực rỡ sau Tết như vậy, trong khi chủ nhân của nó buồn đến héo hon, chúng tôi đều cảm thương với họ - những người nông dân vất vả. Trò chuyện với chị Trần Thuý Linh, năm nay 51 tuổi, chủ nhân của vườn quất thế cổ thụ chuyên cho thuê, ở làng Quảng Bá, chị Linh cho biết: Có những cây quất cảnh mọi năm khi chưa có dịch Covid-19, nhà chị vẫn cho thuê chơi Tết với giá từ 15 đến 25 triệu đồng (bao gồm cả chậu), thì năm nay rất ít khách tới hỏi thuê. Chẳng vậy mà tổng số cây quất thế trong vườn nhà chị có 70 gốc thì chỉ cho thuê được có 12, trong khi bán đứt hẳn được chỉ 5 gốc.
Tình cảnh trồng quất cảnh không bán được số lượng là mấy trong 2 vụ Tết vừa qua là thực trạng chung của đại đa số các nhà vườn tại 2 làng quất cảnh nổi tiếng kể trên. Trong những ngày đầu xuân năm mới này, dẫu buồn bã vì thua lỗ nhưng người nông dân ở 2 làng hoa này vẫn hối hả ra đồng để dùng kéo cắt bỏ quả, gội cành để cây đâm chồi nảy lộc, ấp ủ cho mùa Tết sau bội thu. Chị Hà Thị Lan - chủ vườn 190 cây, dịp Tết rồi mới bán được 70 cây, đang cắt gội các cây quất quả sai trĩu, chín vàng rực để bỏ đi ủ làm phân xanh, ngừng tay kể cho chúng tôi biết, khi mọi năm bán hết cả vườn thu cỡ hơn 150 triệu đồng, trong khi dịp Tết vừa qua số tiền bán thu được chỉ khoảng 50 triệu đồng, coi như lỗ nặng tiền đầu tư, công sức bỏ ra. Chị Lan cho biết: Bình thường qua Tết, khi bán hết cây rồi, các nhà vườn ở đây đều phải xuống tận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để mua cây quất giống mang về trồng, nhưng năm nay do quất ế nhiều quá, nhiều vườn cây còn “nằm im”, nên họ chỉ đi mua cây giống thêm một ít, còn thì chăm lại cây cũ đợi Tết năm tới bán. Có nhiều gia đình ở nhà thì thôi, chứ cứ ra tới vườn quất, nhìn quả chín vàng còn neo lại trong vườn là muốn trào nước mắt, xót xa vì tiếc của, tiếc công!
Dịp Tết năm 2021 và năm nay, do đại dịch Covid-19 bùng phát và còn khó lường, nên không chỉ mọi người hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc để phòng tránh dịch lây lan, mà kinh tế của hết thảy các gia đình cũng trở nên eo hẹp, bị ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy mà các gia đình đều đón Tết với tâm lý… tiết kiệm, đơn giản! Vì “cung” vượt “cầu, ít người mua hoa cây cảnh, nên người nông dân trồng hoa, cây cảnh ở Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng Bá, thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội nói riêng, cũng như nhiều các làng hoa khác trên cả nước ta bị ảnh hưởng, bị ế ẩm là điều khó tránh khỏi! Không chỉ nhà vườn, tôi từng đi và thấy tại nhiều chợ hoa xuân ở dịp Tết vùa rồi, những thương lái đi buôn cây, hoa cảnh cũng phải chịu chung tình cảnh ế ẩm, thua lỗ trầm trọng, khi hàng bày ê hề “đợi” khách tới mua nhưng chỉ thấy lượng người thưa thớt tới… ngắm, trả giá quá rẻ mạt theo kiểu đắt không mua, rẻ mua chơi, rồi ngoảnh mặt quay đi.
Nguyễn Việt Hưng