Quảng Ninh: Bất cập đặt trạm BOT Biên Cương?

Dân bức xúc vì trạm đặt trong khu dân cư
Sau khi trạm thu phí BOT Biên Cương đi vào hoạt động và tiến hành thu phí, ngày 8-3, hàng chục người dân TP. Cẩm Phả căng băng rôn, biểu ngữ và kéo đến trụ sở tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh để phản đối. Hầu hết những người dân phản đối thuộc những hộ kinh doanh có xe vận tải, xe con hay đi lại. Lý do người dân cho rằng vị trí đặt trạm thu phí BOT Biên Cương quá gần nhau, ngay trong nội đô thành phố, mỗi trạm (lượt đi và lượt về) cách nhau khoảng hơn 1km, nằm trên trục quốc lộ 18. Vị trí đặt trạm cũng được coi là “rọ đó”, không còn đường nào để tránh né nên hầu hết các xe khi đi lại trên quốc lộ 18, đoạn qua T.P Cẩm Phả đều bị trả phí.
Điều đáng nói, đoạn đường thu phí BOT thuộc Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương có tổng chiều dài 38,5km, do Công ty CP BOT Biên Cương làm chủ đầu tư. Dự án này được nâng cấp trên cơ sở quốc lộ 18A cũ bắt đầu tại km132+330 thuộc phường Hà Tu (T.P Hạ Long), điểm cuối là nút giao giữa quốc lộ 18A với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (T.P Cẩm Phả).
Theo một số người dân phường Cẩm Thịnh cho biết, đây là đoạn đường quốc lộ độc đạo của nhà nước và nhân dân, được nâng cấp, sửa chữa nhiều lần. Lần nâng cấp cải tạo gần đây nhất là vào năm 2011, tuy nhiên, không hiểu sao Công ty CP BOT Biên Cương lại được giao làm chủ đầu tư, thực hiện nâng cấp, cải tạo và tiến hành thu phí? Trong khi đó, tổng chiều dài đoạn đoạn nâng cấp, sửa chữa mà người dân Cẩm Phả được đi qua chỉ chưa đầy 15km và chủ đầu tư chỉ tráng lại một lớp nhựa đường mỏng, hai bên đường không được mở rộng thêm gì.
Vẫn theo một số người dân ở Cẩm Thịnh, thì “đoạn đường nâng cấp, cải tạo trước đây cũng khá đẹp, nhưng giờ chủ đầu tư thảm lại còn không bằng đường cũ. Chủ đầu tư chỉ mở rộng thêm hai làn có chiều dài khoảng hơn 1km từ ngã ba cầu 20 - đến Cột 2 Cửa Ông. Khi trải thảm lại đọan đi qua phường Cẩm Thịnh, đơn vị thi công làm rất ẩu khiến mỗi khi trời mưa xuống, nước mưa không thoát được, đọng thành vũng lớn, dân đi lại rất khổ sở. Nhiều lần kiến nghị, chủ đầu tư và đơn vị thi công họ mới đưa người đến sửa chữa…”.
“Nếu cứ áp dụng mức thu phí cao thì cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Ví như chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ở đây khi vận chuyển một cây sắt, một bao xi măng qua trạm BOT, lãi không đủ tiền trả phí BOT. Cả ngày lãi được vài trăm nghìn đồng nhưng đi 2km qua hai lượt thu phí đã quá tiền lãi. Có hộ mỗi ngày chi phí 200.000 đồng để đi qua trạm BOT. Không những vậy, đặc thù người Vân Đồn, Cẩm Phả ở đây từ mớ rau, con cá, hạt gạo đều mua từ nơi khác về. Đặt trạm thu phí ở đây thì dĩ nhiên chi phí giá cả lương thực tăng lên, lúc đó, giá cả sinh hoạt đổ hết lên đầu người dân chịu - doanh nghiệp, chủ hàng nào họ chịu?” - một số người dân Cẩm Thịnh bức xúc.
Quảng Ninh hai lần phải… giảm phí
Sau khi một số tài xế căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối việc thu phí ở BOT Biên Cương, UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra giải pháp tình thế trước mắt là giảm giá... cho phương tiện của người dân ở các xã, phường gần trạm. Tuy nhiên, người dân vẫn còn bức xúc, khiến UBND tỉnh tiếp tục họp bàn cùng các Sở, ngành và chủ đầu tư tìm cách tháo gỡ. Ngày 12-3, UBND tỉnh Quảng Ninh chính thức thông báo giảm giá lần 2 cho người dân ở Cẩm Phả và một số xã huyện Vân Đồn. Theo đó, mức giảm giá lần thứ 2 từ 30-100% được áp dụng đối với toàn bộ các xã, phường thuộc T.P Cẩm Phả và 3 xã, thị trấn (Cái Rồng, Đông Xá, Đoàn Kết) huyện Vân Đồn. Song, điều này nhiều người dân vẫn chưa đồng thuận.
Ghi nhận tại khu vực phường Cẩm Thịnh (Cẩm Phả) một số người dân tỏ ra bức xúc trước việc BOT Biên Cương đặt trong nội đô T.P Cẩm Phả, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Họ cho rằng, từ khi có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa đường hay tiến hành thu phí, người dân hoàn toàn không được lấy ý kiến đóng góp. “Thử hỏi, nếu chúng tôi không lên tiếng phản đối mạnh mẽ và quyết liệt thì liệu rằng họ (BOT Biên Cương - PV) có tự nhiên giảm giá?” - một người dân phường Cẩm Thịnh đặt câu hỏi.
Điều đáng nói, người dân nơi đây chỉ ra sự bất cập trong đặt Trạm thu phí ở nội đô T.P Cẩm Phả là trạm BOT của Công ty CP Biên Cương chỉ cách trạm BOT đoạn qua phường Đại Yên ( TP. Hạ Long) của Công ty CP BOT Đại Dương khoảng 57km, chưa đủ cự ly là 70km như quy định của Nhà nước. “Nếu cứ làm đúng quy định của Nhà nước, pháp luật thì chúng tôi không có ý kiến gì. Đằng này, làm một nơi, đặt một nẻo, trạm BOT lại đặt ở vị trí yết hầu trên con đường độc đạo, một chiều đón xe Hà Nội về Cửa Ông, sân bay Vân Đồn, Móng Cái và ngược lại... Nếu làm đúng cần di dời về Mông Dương mới đảm bảo khoảng cách 70km” - một số người dân Cẩm Phả đề xuất.
Hơn thế nữa, theo người dân cho biết, xe cộ hàng năm đã đóng phí bảo trì đường bộ, nhưng không hiểu số tiền này đi đâu, tại sao không sử dụng để sửa chữa, bảo trì, nâng cấp đường hư hỏng mà lại cho đầu tư BOT vào đoạn đường dài hơn 30 km và đã có từ xa xưa?
Đặc biệt, một tỉnh lớn như Quảng Ninh có nguồn thu ngân sách không nhỏ, lượng xe lớn, quỹ bảo trì hằng năm thu được sẽ vô cùng lớn, nhưng một đoạn đường nội thành, nội thị lại cho một doanh nghiệp đầu tư BOT, liệu có gì khuấn tất trong việc chấp thuận đầu tư hay không đang là câu hỏi được dư luận quan tâm.
Thực tế, điều người dân nơi đây ai ai cũng nhìn thấy là sau khi được đầu tư BOT, chất lượng đoạn đường này cũng không hơn nhiều so với khi chưa được đầu tư. Bởi lẽ, đi qua nội thị, ngã ba, ngã tư giao cắt quá nhiều, khiến cho lưu thông không đảm bảo giống như các dự án đường BOT làm mới. Trong khi đó, thời gian qua nhiều BOT trên cả nước đang dính nhiều sai phạm về vị trí, đầu tư đang được cơ quan nhà nước thanh kiểm tra, báo chí phản ánh…
Trao đổi với báo chí, bà Lê Ngọc Hân - Phó giám đốc Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh mới tổ chức họp báo về vấn đề này. Việc đặt Trạm BOT Biên Cương được tỉnh Quảng Ninh thực hiện theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, bà Hân thông tin, theo quy định tại Điểm B, Mục 2, Điều 2 Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính thì “BOT được đặt trong đô thị và tuyến quốc lộ đi qua đô thị”. Quảng Ninh cũng đã có văn bản đề xuất, xin ý kiến Bộ GTVT và Bộ Tài chính về việc đặt trạm BOT Biên Cương...
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra như những ý kiến của người dân phản ánh nêu trên, qua thực tiễn, việc đặt trạm BOT Biên Cương trong nội đô Cẩm Phả không khác gì Quảng Ninh và chủ đầu tư “tự làm khó mình”. Động thái giảm giá chưa phải là cốt lõi của sự việc… Và để làm rõ hơn về việc đặt trạm BOT Biên Cương cũng như những câu hỏi của người dân xung quanh việc xây dựng BOT này, chúng tôi có nhiều câu hỏi đối với bà Hân, tuy nhiên, bà Hân cho rằng PV cần tìm hiểu kỹ hơn thì phải sang là việc với Sở GTVT. Bà Hân cũng liên lạc với lãnh đạo Sở này, nhưng sau cuộc điện thoại, lãnh đạo Sở GTVT đều nói không có mặt ở Sở tiếp PV được. Bà Hân cũng hứa sẽ có trách nhiệm liên lạc và lấy các thông tin PV yêu cầu, sẽ gửi lại qua đường email cho PV. Tuy nhiên, đến thời điểm này một loạt câu hỏi PV đề nghị cũng chưa thấy bà Hân hồi âm!
Bài và ảnh: Doanh ChínhBox: Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Mông Dương có tổng chiều dài 38,5km, do Công ty CP BOT Biên Cương làm chủ đầu tư. Mức đầu tư cho dự án khoảng 2.000 tỷ đồng gồm cả giải phóng mặt bằng. Dự án này được nâng cấp trên cơ sở quốc lộ 18A cũ bắt đầu tại km132+330 thuộc phường Hà Tu (T.P Hạ Long), điểm cuối là nút giao giữa quốc lộ 18A với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (T.P Cẩm Phả).