Quản lý tư tưởng chiến sĩ mới trong tháng đầu huấn luyện: Những cách làm hiệu quả
Giờ giải lao của CSM Sư đoàn Không quân 371. Ảnh: Thái Sơn
Công tác huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) năm 2024 trong toàn quân tiến hành được hơn 1 tháng theo đúng tiến trình biểu huấn luyện và đạt kết quả tốt. Trong đó, công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐCTCT) ở đơn vị. Với các CSM, việc nắm, dự báo và giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh ngay ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu là hết sức quan trọng.
Việc làm đầu tiên trong tiến hành công tác tư tưởng ở các đơn vị huấn luyện CSM là tổ chức sinh hoạt tư tưởng đối với CSM ngay từ ngày đầu, tuần đầu bước vào đơn vị. Các đơn vị đã tập trung quán triệt các nền nếp, chế độ quy định; giới thiệu truyền thống đơn vị, khơi dậy trong chiến sĩ về lòng tự hào về truyền thống quê hương; truyền thống của QĐND Việt Nam Anh hùng, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trong thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị thực hiện không quá gò ép ngay vào nền nếp, chế độ quy định của đơn vị, mà tập trung hướng dẫn cụ thể tỉ mỉ, bằng phương pháp mềm mỏng để CSM làm quen dần với môi trường quân ngũ.
Thực tế thời gian qua, các đơn vị trong toàn quân đã có nhiều chủ trương, giải pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả trong tiến hành công tác tư tưởng. Cán bộ cơ sở đã thực hiện 4 cùng với bộ đội, đó là: Cùng ăn,cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ. Do đó có điều kiện nắm được đặc điểm tâm lý, tính cách, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ của từng quân nhân. Đặc biệt là kịp thời phát hiện những suy nghĩ, tâm lý tiêu cực, lệch lạc của CSM để giải quyết kịp thời.
Những đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện CSM có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như thực hiện mô hình Tự thuật của CSM, Hồ sơ thông tin chiến sĩ. Mô hình này giúp cho việc nắm bắt thông tin kịp thời về điều kiện hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm tư nguyện vọng,sở trường cá nhân. Trên cơ sở đó giúp cho lãnh đạo, chỉ huy phân nhóm đối tượng quản lý, có phương pháp tác động phù hợp nhằm phát huy tư tưởng tích cực và chủ động phòng ngừa tư tưởng tiêu cực.
Các mô hình: Đôi bạn cùng tiến; mộtkèm một; sinh hoạt tổ 3 người; Tổ tư vấn tâm lý pháp lý quân nhân; phút lắng đọng; sân chơi chiến sĩ;Câu lạc bộ quân nhân, hoạt động thể thao giờ thứ 8... cũng mang lại kết quả tích cực. Một cách làm nữa là, tổ chức các cuộc giao lưu ngày đầu nhập ngũ, sinh nhật đồng đội với nhiều nội dung phong phú, như mời người thân, mời các CCB, cựu quân nhân thành đạt vào giao lưu chia sẻ với CSM. Nhiều đơn vị thực hiện mô hình đón tiếp đại diện địa phương, gia đình CSM đến thăm đơn vị vào ngày nghỉ cuối tuần. Trong đó có các nội dung: Giới thiệu về truyền thống đơn vị, tham quan nơi ăn ở, mời đại diện gia đình cùng ăn cơm với bộ đội... Cách làm này đạt hiệu quả tốt, nhiều gia đình rất ấn tượng khi vào thăm đơn vị và yên tâm, tin tưởng vào môi trường mà con em mình được rèn luyện. Điều đó đã tác động tích cực tới nhận thức, tình cảm của CSM.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội nhằm tạo môi trường số để qua đó kết nối chia sẻ thông tin, tăng cường mối quan hệ quân nhân với gia đình quân nhân và địa phương cũng được nhiều đơn vị huấn luyện CSM thực hiện. Ở Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4, để kịp thời giải quyết tư tưởng cho bộ đội và đáp ứng mong muốn của gia đình chiến sĩ, Trung đoàn đã chỉ đạo cho các đơn vị, trực tiếp là cấp trung đội tạo điều kiện cho CSM liên lạc về gia đình. Đồng thời, lập những nhóm zalo kết nối gia đình với đơn vị, qua đó thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình với đơn vị để kịp thời phối hợp trong công tác quản lý tư tưởng chiến sĩ mới.
Trung tá Trần Văn Tư - Chính ủy Trung đoàn 19 cho biết: “Sau khi CSM vào, Trung đoàn đã chỉ đạo các đơn vị cho chiến sĩ gọi về cho người thân. Đặc biệt là thông qua zalo, facebook để gia đình yên tâm, bộ đội cũng yên tâm và tin tưởng vào điều kiên học tập công tác và sinh hoạt ở đơn vị. Sau một thời gian thì chúng tôi thành lập nhóm zalo kết nối gia đình với đơn vị, từ cấp trung đội trở lên. Thông qua nhóm này, hằng ngày những hình ảnh đẹp của bộ đội trong huấn luyện, sinh hoạt, công tác được đăng lên để gia đình yên tâm tâm hơn”.
Đánh giá về cách làm này, Đại tá Tống Văn Thanh - Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho rằng: “Đây là một trong nhiều cách làm sáng tạo hiệu quả của đội ngũ cán bộ cấp phân đội. Những ngày đầu nhập ngũ, CSM có tư tưởng nhớ nhà, người thân, bạn bè...nên thường có nhu cầu chia sẻ thông tin rất cao. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu chính đáng này, nhiều đơn vị trong toàn quân đã có những cách làm sáng tạo, chủ động, sáng tạo trongứng dụng CNTT trong công tác tư tưởng. Lập nhóm zalo hậu phương - chiến sĩ rất có hiệu quả. Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với Binh chủng Thông tin liên lạc, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội trang bị máy điện thoại đến cấp đại đội, thậm chí là đến cấp tiểu đội. Việc này tạo ra môi trường số,kết nối chia sẻ thông tin, tăng cường mối quan hệ giữađơn vị với gia đình quân nhân. Đây cũng là một biện pháp rất hiệu quả trong công tác quản lý tư tưởng quân nhân”.
Trong tháng đầu huấn luyện CSM, các đơn vị trong toàn quân đặc biệt coi trọng và tiến hành công tác tư tưởng một cách bài bản, sáng tạo, linh hoạt. Tạo nền tảng tinh thần xây dựng bản lĩnh, nhân cách người quân nhân cách mạng cho CSM và giúp họ vững vàng trong quân ngũ ở những bước tiếp theo.
Nguyễn Pháp