Quản lý, giáo dục, chăm sóc trẻ em trong kỳ nghỉ hè: Nỗi lo và cách giải quyết

Đại diện Hội CCB quận 10, T.P Hồ Chí Minh trao học bổng cho học sinh tiểu học giỏi, ngoan tham gia chương trình "Âm vang Điện Biên" năm 2024.

Ngày 23-5, Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2024. Đây là hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực trong thời điểm các em học sinh vừa kết thúc năm học 2023-2024 và bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng. Nhiều gia đình, đặc biệt là ở các thành phố lớn đang rất lo lắng về việc quản lý, chăm sóc con trong thời gian nghỉ hè.

Từ nỗi lo của phụ huynh

Theo khung chương trình năm học, kỳ nghỉ hè của học sinh sẽ bắt đầu từ ngày 1-6 và kéo dài đến trước lễ khai giảng năm học mới. Trong đó, trừ học sinh lớp 9, lớp 12 phải chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp và học sinh trường ngoài công lập thường đi học sớm khoảng 1 tháng, còn đa số học sinh sẽ có kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 3 tháng. Các gia đình đã có dự tính cho con nghỉ ngơi, học tập và vui chơi trong kỳ nghỉ hè. Một số người cho con về quê với ông bà, người thân; không ít gia đình đăng ký các khoá dã ngoại, khoá tu, trải nghiệm, học hè... Và cũng còn nhiều gia đình loay hoay, chưa biết phải xoay sở việc quản lý, chăm sóc ra sao khi con nghỉ học kéo dài.

Anh Lê Hùng Sơn thường trú tại quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội có 2 con nhỏ, con lớn 12 tuổi và con nhỏ 8 tuổi. Anh chia sẻ: Hằng năm, cứ đến dịp hè là tôi lại vô cùng lo lắng. Hai vợ chồng đi làm hành chính từ sáng đến chiều tối mới về nhà. Mùa hè năm 2022, hai vợ chồng đi làm và khóa cửa ngoài, để cho 2 cháu ở nhà tự trông nhau. Đến trưa gọi điện đặt cơm ở cửa hàng và có nhân viên mang cơm đến cho các cháu ăn. Thế nhưng, trong một lần vì đói bụng, cháu lớn đã tự bật bếp ga để nấu mỳ ăn liền và bị bỏng. Từ đó, cứ đến hè là vợ chồng anh Sơn lại dành ra một khoản tiền thuê giúp việc trông các cháu để yên tâm làm việc.

Không chỉ gia đình anh Sơn, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi con em bước vào kỳ nghỉ hè. Trong khi phụ huynh bận mải với bộn bề công việc thì việc lo cho con có kỳ nghỉ hè vui, khỏe, bổ ích và an toàn là điều không hề đơn giản. Nhất là trong bối cảnh các khu vui chơi, giải trí, các trung tâm bồi dưỡng năng khiếu dành cho trẻ em còn rất thiếu thốn. Thực tế cho thấy, một số vấn đề nhức nhối vẫn diễn ra khá phổ biến hiện nay là tình trạng trẻ em bị xâm hại, đuối nước và tai nạn gây thương tích… do thiếu sự giám sát của người lớn. Điều đó đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con trẻ…

Hội CCB huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tập huấn, hướng dẫn sơ cứu nạn nhân đuối nước.

Nhiều cách giải quyết

Để quản lý trẻ trong dịp hè, nhiều phụ huynh lựa chọn phương án kéo dài học kỳ của các con bằng cách tiếp tục gửi con vào lớp học thêm các môn văn hóa hay các trung tâm ngoại ngữ trong suốt thời gian nghỉ hè. Một số phụ huynh thì chọn cách lắp camera giám sát và cho các con ở nhà tự do xem ti vi, máy tính nhằm hạn chế việc các con ra ngoài hay tham gia các trò chơi nguy hiểm, gây thương tích; một số phụ huynh lại chọn phương án gửi con về quê cho ông bà nội ngoại…

Tại thời điểm này, dù các em học sinh chưa được nghỉ hè nhưng các khóa học, trại hè cho trẻ nhỏ đã được quảng bá rầm rộ, như trại hè quân đội, trại hè tham quan dã ngoại, trại hè tiếng Anh, trại hè kỹ năng sống… còn có cả các khóa du học hè tại nước ngoài với chi phí không hề nhỏ tùy theo thời gian, địa điểm tổ chức.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục và nhiều bậc phụ huynh, việc nở rộ các khóa học hay trại hè đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình không có điều kiện dạy, chăm sóc trẻ trong dịp hè. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần tìm hiểu kỹ các khóa học và không nên quá kỳ vọng con sẽ thay đổi tích cực "180 độ" sau một khóa học. Hơn nữa, thời gian mỗi khóa chỉ từ 5 đến 10 ngày trong cả một kỳ nghỉ hè 3 tháng nên cần có kế hoạch quản lý, giáo dưỡng các con dài hơn.

Các cơ quan chức năng, nhất là Ngành Giáo dục cũng có sự chỉ đạo hoạt động hè cho học sinh. Như tại Hà Nội, Sở GDĐT thành phố yêu cầu các nhà trường chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch hoạt động hè tại địa phương; có lịch mở cửa thư viện cho học sinh tới đọc sách và tuyên truyền những thông tin liên quan đến các mối nguy hiểm cho trẻ, phòng, chống đuối nước, tệ nạn xã hội… Tại T.P Hồ Chí Minh, Sở GDĐT thành phố chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào; không được dạy trước chương trình. Các trường được tổ chức hoạt động hè trên cơ sở cha mẹ có nhu cầu gửi con, có đơn xin học hè.

Chăm sóc thiếu niên, nhi đồng nói chung và nhất là trong các kỳ nghỉ hè cũng được các cấp Hội CCB quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Tại Hội nghị tập huấn, tuyên truyền phòng, chống đuối nước năm 2024 của Hội CCB  tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua, theo đồng chí Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc, đây là việc làm cụ thể của Hội CCB trong quản lý, chăm sóc các cháu vào dịp hè. Phòng, chống đuối nước cho trẻ em đã được Hội CCB tỉnh thực hiện hiệu quả 10 năm qua. Năm 2023, cả tỉnh Vĩnh Phúc có 11 vụ đuối nước, nhưng không có trường hợp nào xảy ra trong phạm vi tổ canh trực hoặc nơi có biển cảnh báo của CCB đảm nhiệm. Ngay từ đầu hè 2024, các cấp Hội quán triệt, triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ở các cơ sở… Hiện, Hội CCB tỉnh đang duy trì hoạt động 661 tổ canh trực với 2.566 thành viên, trong thời gian từ tháng 5 đến 30-9, đặc biệt thời gian học sinh nghỉ hè...

Chủ tịch Hội CCB huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - đồng chí Dương Việt Hồng cho biết thêm: “Hội CCB tổ chức nhiều buổi tập huấn về kỹ năng, kỹ thuật, phòng, chống tai nạn trẻ em; phương pháp huấn luyện bơi, kỹ thuật bơi. Vào các ca trực phòng, chống đuối nước, các hội viên đều kiểm tra trang thiết bị cứu vớt, tăng cường tổ chức canh trực tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.”.

Không nổi bật như Hội CCB tỉnh Vĩnh Phúc nhưng sự quan tâm chăm sóc các cháu thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè cũng được Hội CCB trong cả nước thực hiện với nhiều cấp độ khác nhau. Nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, T.P Hồ Chí Minh... các Hội CCB cấp cơ sở phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động cho các cháu nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu với các hoạt động biểu dương, tặng quà học sinh giỏi, sinh hoạt văn nghệ - thể thao, cắm trại; kể chuyện truyền thống... Sự quan tâm đó của Hội CCB thật đáng quý và cần thiết vì đã thiết thực chăm lo, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của CCB đối với thế hệ tương lai của đất nước.  

Võ Hóa