Quan họ làng Hoài Thị (28/10/2011)
Bây giờ, tuy sim tím không còn nhưng tên làng Bựu Sim vẫn thường xuyên được người dân dùng gọi với một tình cảm thân thiết, gần gũi mà đặc biệt, luôn được các liền anh, liền chị trong CLB quan họ dùng xưng danh mỗi khi đi gặp gỡ, kết bạn, giao lưu với quan họ bạn.
CLB quan họ làng Hoài Thị hiện có 40 thành viên với nhiều nhóm tuổi khác nhau. Một điều đặc biệt hiếm thấy ở CLB quan họ làng Hoài Thị là tỷ lệ nam, nữ khá cân đối với 18 liền anh, 22 liền chị. Theo nhà nghiên cứu quan họ Lê Danh Khiêm, đây là một điều vô cùng quý báu, không dễ tìm thấy ở nhiều làng quan họ khác. Khi có sự cân bằng giữa liền anh với liền chị thì việc tổ chức các canh hát quan họ cổ mới đảm bảo đúng theo lề lối truyền thống. Chính vì lẽ đó, những canh hát quan họ cổ ở Hoài Thị luôn được tổ chức bài bản, theo trình tự truyền thống với ba chặng lề lối gồm đủ các giọng cơ bản như: giọng la rằng, tình tang, cây gạo, cái hời cái ả, tứ quý... sau đến giọng lẻ, giọng vặt và cuối cùng là giọng giã bạn. Vào dịp lễ hội đầu Xuân, nhiều lần về làng Bựu để được đắm chìm trong những canh hát quan họ cổ không nhạc đệm vào ban đêm, có khi ở gia đình một nghệ nhân, khi là các canh hát ở đình làng, chúng tôi cứ ngấm dần rồi thẩm thấu phần nào cái cốt túy đặc sắc, riêng có của quan họ làng Hoài Thị. Cách hát của liền anh, liền chị ở đây mang vẻ đẹp riêng; thường sử dụng các câu ra, câu đối do chính nghệ nhân Hoài Thị sáng tác, hát theo lối cổ, mang phong cách quan họ Bựu Sim – cứ giãi ra, không lên cao, xuống thấp, nhịp phách không rõ ràng nhưng lại đậm chất vang-rền-nền-nảy. Bà Nguyễn Thị Lành, chủ nhiệm CLB quan họ làng Hoài Thị cho biết: “Để có thể duy trì nguyên vẹn được lối hát cổ đặc trưng của làng là bởi việc truyền dạy quan họ ở Hoài Thị được tổ chức bài bản và khoa học, đảm bảo tính kế thừa liên tục, thường xuyên. CLB quan họ Hoài Thị chia thành nhiều lớp học khác nhau: Một lớp tuổi thanh niên, lớp trung niên được chia thành 3 nhóm theo học các cụ Bạn, cụ Bút, cụ Quỳnh, còn lại là nhóm măng non do tôi phụ trách”. Hoài Thị còn là một trong số ít các làng quan họ gốc có tới 3 nghệ nhân Dân ca quan họ được phong tặng danh hiệu lần đầu là: nghệ nhân Nguyễn Sỹ Tăng (88 tuổi), Nguyễn Văn Bích (96 tuổi) và Nguyễn Thị Con (90 tuổi).
Ở Hoài Thị xưa kia và cả bây giờ, quan họ luôn là một phần máu thịt, không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của hầu hết người dân. Nhiều thế hệ liền anh, liền chị trẻ tuổi cũng tiếp bước truyền thống gia đình, quê hương mà tự nguyện tìm đến với quan họ bằng một tình cảm sâu nặng của riêng mình. Đặc biệt, có 4 cặp liền anh trẻ ở Hoài Thị đã tìm cách nối lại tục kết bạn quan họ truyền thống trước đây với một số cặp liền chị ở làng Diềm. Các cặp kết bạn này thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, cùng học hỏi, trau dồi vốn quan họ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, quan họ còn là một nghề giúp họ kiếm sống, bởi nếu một trong số các thành viên nhận được lời mời đi biểu diễn ở đâu là họ lại rủ đôi kết bạn cùng tham gia. Tuy không thực sự giống hoàn toàn với nghề chơi, lối chơi quan họ của người xưa nhưng mô hình này đang được một nhóm liền anh gồm 8 người dưới 30 tuổi ở Hoài Thị cùng với một số liền chị ngang tuổi ở làng Diềm thử nghiệm và đạt kết quả nhất định. Có một điều không thể phủ nhận là tình yêu, lòng ham mê quan họ của thế hệ liền anh, liền chị trẻ tuổi này chẳng hề thua kém lớp tiền bối nghệ nhân. Họ say quan họ và hát mọi lúc mọi nơi như chẳng bao giờ biết chán. Cũng bởi thế mà chất “vàng ròng”, tinh túy của quan họ cổ Bựu Sim trải dài qua suốt hàng trăm năm luôn được trân trọng giữ gìn. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định: Bản sắc của quan họ Hoài Thị vẫn luôn được người dân nơi đây gìn giữ và tỏa sáng suốt chiều dài hàng trăm năm lịch sử. Sự kết hợp hài hòa giữa truyền dạy quan họ truyền thống và tiếp thu quan họ cải biên ở Hoài Thị cho thấy tính bảo lưu vốn cổ nhưng không bảo thủ cũng là một trong những phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa quan họ tiêu biểu, cần được nhân rộng...
Sơn Trà