Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, ngày 30-10-2014, ba tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào vùng biển của Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp mà nước này gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trước đó, JCG ngày 27-10 đã bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá của Trung Quốc bị nghi ngờ đang khai thác trộm san hô trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, theo AFP.
Theo Sở chỉ huy Lực lượng JCG Khu vực số 11 ở TP Na-ha, tỉnh Ô-ki-na-oa, các tàu Trung Quốc đã hoạt động trong khu vực tiếp giáp bên ngoài vùng biển của Nhật Bản từ hôm 24-10.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một nhóm các đảo nhỏ thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên cử tàu hay máy bay đến đây.
Những tranh chấp về chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư đã phủ bóng đen lên quan hệ Trung-Nhật trong suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo tại đây tháng 9-2012.
Gần đây, báo chí Nhật Bản lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc đang áp dụng thêm thủ đoạn “cắt lát salami” trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo với các nước láng giềng. Theo đó, phía Trung Quốc dường như giảm các hoạt động mang tính khiêu khích, chuyển sang xâm nhập một cách nhẹ nhàng nhưng liên tục, giống như việc dùng dao cắt từng lát mỏng salami rồi ăn (salami là một loại xúc xích làm bằng thịt bò được sấy khô).
Một quan chức Phòng vệ Nhật Bản thừa nhận: “Nếu Trung Quốc giảm các hành động nguy hiểm, cứ lẳng lặng xâm lấn, Nhật Bản sẽ rất khó đối phó”.
Áp dụng chiến thuật “cắt lát salami” hay “tích tiểu thanh đại” có thể làm dịu tâm lí cảnh giác của các nước châu Á. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm.
Nguyễn Đăng