Quan hệ Nga - Mỹ Ngày càng xấu hơn
Một sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng viện Quốc hội Mỹ!
Do được Quốc hội Mỹ thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối, Dự luật sẽ chắc chắn trở thành luật, bất chấp Tổng thống Donald Trump có ký ban hành hay không.
Dự luật trừng phạt Nga lần này dài 184 trang, quy định Tổng thống Mỹ không được phép đơn phương nới lỏng hoặc hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Nếu muốn can thiệp, người đứng đầu Nhà Trắng phải được sự phê chuẩn của Quốc hội. Dự luật cũng quy định mở rộng các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Obama đã áp dụng, với nhiều nội dung mới nhằm vào các thực thể kinh tế Nga, hoạt động trong các lĩnh vực kim loại, vận tải biển và đường sắt. Sự mở rộng này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới một loạt ngành công nghiệp của Nga và có nguy cơ khiến nền kinh tế Nga tiếp tục chịu nhiều tổn thất.
Đây là dự luật chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời ông Trump, đe dọa tiếp tục làm xấu hơn mối quan hệ Nga - Mỹ vốn đã rất tệ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Dự luật cũng khiến Liên minh châu Âu lo ngại khi EU cho rằng nó sẽ ảnh hưởng xấu tới an ninh năng lượng của họ. Do đó EU tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả nếu Dự luật được thực thi.
Phía Nga đã có những phản ứng đầu tiên. Tổng thống Putin tuyên bố, đây là hành động “rất đáng tiếc” từ phía Mỹ, là “hành động bất cẩn khiến cho tình hình xấu đi”. Người đứng đầu điện Kremlin cũng cho rằng Dự luật này của Mỹ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của các quan hệ quốc tế. Bộ Ngoại giao Nga đánh giá: Sự hung hăng của Mỹ trong hành động chống Nga đều trái với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc, quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Không chỉ nói, Nga đã yêu cầu Đại sứ quán Mỹ ngưng sử dụng tất cả cơ sở lưu trữ và một ngôi nhà ở Moscow bắt đầu từ ngày 1-8-2017. Moscow cũng yêu cầu Washington cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga xuống còn 455 người, từ ngày 1-9-2017. Nga còn đe dọa sẽ tung ra thêm biện pháp trả đũa bổ sung nếu Mỹ có những động thái tiêu cực mới. “Chúng tôi bảo lưu quyền đưa ra các biện pháp trả đũa để đánh vào lợi ích của Mỹ”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Như vậy, việc khôi phục quan hệ Nga-Mỹ dưới thời chính quyền Trump không diễn ra theo kỳ vọng của Moscow. Một phần vì các nhánh quyền lực của Mỹ quyết khai thác “yếu tố Nga” trong chiến thắng của ông Trump để cản trở việc cải thiện quan hệ. Một phần vì nền tảng chiến lược của chính quyền Trump là gia tăng lợi ích Mỹ, trong khi lợi ích trong quan hệ Nga-Mỹ chiếm tỉ trọng không lớn trong nền tảng lợi ích mà Mỹ có thể thu được từ kinh tế đối ngoại, nên việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ không trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump.
Đăng Song