Quân đội chung tay xóa đói giảm nghèo: Những mô hình, cách làm hiệu quả

Ban CHQS huyện Đăk Đoa tặng bò cho bà con nhân dân.

Không chỉ trong Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, các đơn vị Quân đội trong toàn quân thường xuyên có nhiều mô hình hoạt động giúp nhân dân xóa nghèo. Đặc biệt là với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng biên giới...

Trong ký ức của mình, ông Nới - Trưởng làng Kueng Grai, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai nhớ như in thời điểm cách đây khoảng 10 năm về trước, làng Kueng Grai còn nghèo lắm. Khi đó, cả làng có gần 100 hộ dân với hầu hết hơn 350 nhân khẩu làm không đủ ăn. Thanh niên trai tráng chủ yếu đi rừng, đi rẫy, làm thuê, làm mướn, phụ nữ thì đẻ nhiều, con cái nheo nhóc, đời sống càng khó khăn hơn. Một số hộ có đất sản xuất, trồng cà phê, hồ tiêu, nhưng ít người giàu, mà đa phần không đủ ăn vì không rành về kỹ thuật, thiếu máy móc, phương tiện và nhất là thiếu vốn. Cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

Thế rồi mấy năm trở lại đây, khi Ban CHQS huyện Đăk Đoa phối hợp với địa phương, hỗ trợ cho 10 hộ nghèo trong làng, theo hình thức cho mượn bò giống để nuôi. Sau 1 năm nhận nuôi, bò mẹ sinh sản, các hộ nghèo trong làng được giữ lại con bê làm tài sản để phát triển kinh tế, bò mẹ thì chuyển đi nhà khác. Với giá thị trường, 1 con bê lên tới 10 triệu đồng. Năm ngoái, làng Kueng Grai đã có 3 hộ dân thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ này.

Trao đổi với ông Y Bren - Chủ tịch UBND xã Hà Bầu, chúng tôi được ông cho biết cụ thể về phương thức hỗ trợ mà Ban CHQS huyện Đăk Đoa giúp đỡ nhân dân trong địa bàn xã Hà Bầu như thế này: “Ngoài chương trình cầm tay chỉ việc, giúp bà con phát triển kinh tế như trồng lúa, cà phê, thì Huyện đội có chương trình hỗ trợ nuôi bò để thoát nghèo. Bộ đội bỏ tiền mua bò; chính quyền mua đinh, tôn để hỗ trợ gia đình làm chuồng. Về kinh tế, bò bán được giá cao, ngoài ra còn lấy phân để bón cho cây trồng. Quyết định hỗ trợ này rất thiết thực, dân hưởng ứng và nhân rộng một số hộ khác…”.  

Cách hỗ trợ bò giống cũng là cách làm phổ biến của LLVT Quân khu 5 trong quá trình thực hiện mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” theo phương châm: Không hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, mà hỗ trợ bằng cách “Trao cho người dân cái cần câu và hướng dẫn cách câu, thay vì trao con cá”.

Khác với cách làm của Quân khu 5, đối với Binh đoàn 15, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, Binh đoàn luôn xác định việc “an dân” làm đầu, muốn “an dân” trên vùng biên giới thì chỉ có ưu tiên tạo việc làm, thu nhập ổn định, để bà con yên tâm gắn bó, làm giàu trên quê hương. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Binh đoàn ưu tiên tuyển chọn con em đồng bào DTTS, đào tạo nghề và nhận vào làm công nhân. Đại tá Hoàng Văn Sĩ - Tư lệnh Binh đoàn cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, Binh đoàn tạo việc làm ổn định cho trên 17.000 lao động, trong đó đồng bào DTTS khoảng gần 8.000 người. Với người lao động là DTTS thì chúng tôi hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển mạnh về trồng trọt, chăn nuôi; đảm bảo tốt các chế độ và chính sách, người lao động yên tâm bám trụ trên khu vực biên giới, thể hiện qua việc người đồng bào DTTS vào làm việc với Binh đoàn ngày càng tăng”.

Ngược lên những xã vùng cao giáp biên thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, những năm gần đây, đời sống của bà con ngày càng khởi sắc, với hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm phát triển, cuộc sống no đủ hơn. Đây là các xã nằm trong vùng dự án của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 345 - Quân khu 2. Nếu như cách đây hơn 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo có đến 50-60%, nhưng nay giảm chỉ còn hơn 10%. Với sự kiên trì cùng ăn, cùng ở, cùng làm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 345, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho đồng bào cách trồng cây dược liệu quý, phát triển các loại cây ăn quả đặc sản bản địa và chăn nuôi tập trung… đã giúp bà con thoát được đói nghèo, nhiều hộ đang vươn lên làm giàu. Nhiều năm gần đây, đồng bào các dân tộc của 4 xã biên giới huyện Bát Xát luôn coi những cán bộ, chiến sĩ của Đoàn như người thân ruột thịt. Anh Tẩn A Lều - Trưởng thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát kể: “Cách đây 3-4 năm thì rất là khó khăn, nhưng năm 2020, thôn tôi đã đạt tiêu chí Nông thôn mới. Nhờ Đoàn 345 giúp đỡ, xây cho nhà vệ sinh, chỉ bảo cách làm ăn rất phát đạt, hiện tại thôn chỉ có 12 hộ nghèo, có 11 nhà gỗ thôi, còn đều là nhà xây”.

Tùy vào đặc thù công tác, địa bàn hoạt động và tính chất nhiệm vụ khác nhau mà cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực trong giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là cách làm hiệu quả, phát huy vai trò Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Nguyễn Pháp