QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN: Phát triển kinh tế, nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo (02/12/2009)

Kinh tế biển đã và đang góp phần rất lớn cho nền kinh tế nước nhà. Quân chủng Hải quân có nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt bảo vệ quyền chủ quyền biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Quân chủng đã phân chia các vùng hải quân, các cụm đóng quân, canh phòng dọc theo chiều dài đất nước, đã và đang phát huy vai trò nòng cốt, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội để tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng an ninh trên các vùng biển, đảo.

Quân chủng tham gia xây dựng một số loại hình kinh tế biển như: khu kinh tế quốc phòng do các vùng hải quân, hải đoàn phụ trách phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành thành lập nhiều quân cảng, nhà máy, tổ chức các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản, xây dựng hạ tầng cơ sở, phục vụ dân sinh và làm chỗ dựa cho nhân dân sản xuất, khai thác tiềm năng, nguồn lợi thuỷ sản. Xây dựng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá bằng các đội tàu công ích để thu mua, bảo quản, chế biến hải sản, cung cấp dầu, nước ngọt, nước đá, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ, sửa chữa bảo quản nhỏ tàu thuyền và hình thành các chợ hải sản, cơ sở cứu hộ, cứu nạn, các âu tàu, khu neo đậu tàu tránh giông bão…Các cơ sở kinh tế đã xây dựng nên các lực lượng dân quân tự vệ tại chỗ làm nòng côt để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời trong các hoạt động trên biển, đảo, đã giúp cho việc quan sát, phát hiện, xua đuổi hàng ngàn lượt tàu thuyền đánh cá, tàu thăm dò, khai thác dầu khí của nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các doanh nghiệp đóng tàu của Hải quân vừa làm nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, vừa tham gia đóng mới, sửa chữa hàng trăm tàu, thuyền, phương tiện thuỷ cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và các thành phần kinh tế khác, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao. Chỉ tính năm 2008, doanh thu đạt gần 3.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 247 tỷ đồng, thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động đạt 5,5 triệu đồng. Tân cảng Sài Gòn là một trong hơn 80 cảng lớn nhỏ của cả nước, có năng lực tương đương với cảng khu vực và là nhà khai thác biển hàng đầu của Việt Nam; vừa đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho quân đội vừa tham gia có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế đất nước với trung bình mỗi năm có 15 triệu tấn hàng hóa lưu chuyển qua cảng. Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có trên 90 ngàn nhân khẩu, sinh sống tại 27 hòn đảo lớn nhỏ. Huyện phối hợp chặt chẽ với vùng E hải quân, kết hợp kinh tế với quốc phòng đã quy hoạch 2.300 ha đất xây dựng đô thị, 100 ha đất công nghiệp, 3.800 ha đất phát triển du lịch, 1.020 ha đất xây dựng các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, 600 ha đất cho các khu dân cư…Đồng thời bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 1.012 lượt cán bộ, đảng viên, 16.545 lượt học sinh và 25.326 lượt thuộc các tầng lớp nhân dân. Các đơn vị huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của quân chủng không những hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà còn tích cực tăng gia sản xuất, làm kinh tế tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, tạo nguồn thu trên 50 tỷ đồng, góp phần xây dựng đơn vị vũng mạnh toàn diện. Tàu HQ 851, thuộc Đoàn M61, Vùng C hải quân có các phong trào “Khoang máy thanh niên”, “Xung kích làm chủ vùng biển”. “Ra khơi mang tình Bác”… có 100% chuyến ra khơi tuần tra, bảo vệ chủ qyền biển đảo, thực hiện cứu hộ, cứu nạn, huấn luyện, xử lý tình huống, đối sách trên biển, cán bộ chiến sĩ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Từ tập trung phát triển kinh tế trên biển, đảo bằng các mô hình đa dạng, Quân chủng Hải quân góp phần làm chuyển đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng xã hội hoá trên biển, trong Chiến lược biển Việt Nam: “Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP cua cả nước” mà Đảng ta đã xác định.

Bài và ảnh: TÔ KIỀU THẨM