Quá trớn:Phông văn hóa của người làm truyền hình
Câu chuyện thứ nhất:Anh thích ăn cơm tấm gì thì em là tấm ấy
Chương trình “Hoán đổi” trên VTV3 Đài THVN lúc 20h30 ngày 18-10-2015, giám khảo Trấn Thành sau khi xem thí sinh múa, biểu diễn xong trích đoạn vai Tấm (trong truyện Tấm-Cám) đã nhận xét đủ điều rồi, nhưng vẫn chưa “tha”:
“Thế còn em thì là “Tấm” gì?”
Lúc đầu thí sinh này tỏ thái độ không hài lòng trước câu hỏi lạc đề có pha màu “trăng gió” này, liền trả lời:
“Em là Tấm Cám chứ còn “Tấm” gì nữa”.
Nhưng sau, hình như cô sợ giám khảo Trấn Thành phật ý sẽ có đánh giá bất lợi cho mình, vội nói tiếp:
“Còn nếu anh Thành thích ăn cơm “tấm” gì thì em là “tấm” ấy”.
Khán giả màn ảnh nhỏ có cảm giác như đang phải chứng kiến một cuộc tình tự của đôi trai gái, ở góc công viên nào đó, hơn là đang xem VTV3 (một kênh truyền hình của Đài THVN.)
Xin được bật mí: MC Trấn Thành từng được nhận giải “Ấn tượng VTV” của Đài THVN nhân dịp kỷ niệm 45 năm, ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên (7-9-1970 - 7-9-2015).
Câu chuyện thứ hai:Cứ “toạc móng heo” mà diễn
Chương trình “Ơn giời Cậu đây rồi” ngày 16-1-2016 trên VTV3 Đài THVN có các nhân vật: Nương Nương bụng chửa, Công Công tay cầm gậy mẩu, đầu gậy có tua và một số Thái giám.
Người xem giật nảy mình, khi nghe Công Công bảo một Thái giám:
“Hãy kể lại câu chuyện hai đứa tạo nên… cái này” (chỉ vào cái bụng chửa của Nương Nương).
Có lẽ, trên đời này chỉ có mấy ông “danh hài” kia mới không cần đến văn hóa, nghệ thuật, cứ “toạc móng heo” mà diễn và các ông còn hơn cả thế giới về cái khoản: Công Công dám gọi Nương Nương là “đứa”. Sợ thật!
Câu chuyện thứ ba:Há hốc mồm
Cũng vẫn chuyện của VTV3-Đài THVN, trong chương trình “Bước nhảy ngàn cân” phát ngày 22-1-2016, giám khảo-ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khen một thí sinh nữ vừa nhảy đẹp vừa giảm cân an toàn, hiệu quả, được nhận giải thưởng 100 triệu đồng của nhà tài trợ:
“Em làm người xem há-hốc-mồm” (ba chữ “há hốc mồm” được Đàm Vĩnh Hưng nhấn mạnh, gằn từng tiếng).
Cụm từ “há hốc mồm” dùng dân dã ngoài đời cũng đã mất lịch sự, nay lại nghiễm nhiên được sử dụng trên sóng Đài THVN, và nói tới số đông khán giả, há chẳng quá đáng lắm sao?
Sao cả người nói lẫn người sản xuất chương trình cho đến người có trách nhiệm thẩm duyệt trước khi phát sóng không thử đứng trước gương, rồi há hốc mồm ra xem hình ảnh của mình như thế nào, mà lại đi tặng cho người khác.
Có thể trong cuộc sống có những người cứ há hốc mồm ra mà nghe, mà xem, nhưng những người đó, như các cụ mình xưa vẫn thường nhận xét là người vô duyên, vô dạng. Đừng nghĩ đó là phản xạ tự nhiên, mà cho dù có như vậy thì cũng cần phải rèn luyện để loại bỏ cái thứ phản xạ không đẹp ấy.
Đi lấy cái hình ảnh không đẹp của một số nhỏ rồi đem gán cho đa số, chỉ để nhằm mục đích tâng bốc một cá nhân, thì đó là việc làm thiếu tôn trọng người khác, cần phải phê phán. Những chuyện ngôn ngữ của “nhà đài” có liên quan đến “phông” văn hóa của đội ngũ biên tập viên, người dẫn chương trình, từ trước tới nay, báo chí đã đề cập nhiều. Ở đây, chỉ xin kiến nghị với lãnh đạo Đài THVN cần tăng cường hơn nữa khâu kiểm tra, xét duyệt. Nếu không dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, chỉ vì một vài cá nhân quá tự nhiên chủ nghĩa… mà ảnh hưởng đến uy tín của một Đài truyền hình Quốc gia.
Nguyễn Văn Cự