Qua thư bạn đọc: Bức tâm thư của một gia đình liệt sĩ !
Ngày 27-7 sắp tới gần nhưng tại khu phố Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội vẫn còn bóng đen u uất của một đám tang phủ khắp con phố. Chả là tháng 5 vừa rồi (ngày 23-5-2014), bà Nguyễn Thị Huyền (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Dần) do tuổi cao sức yếu đã ra đi mãi mãi.
Việc ra đi của bà, khiến người dân khu phố bàn ra tán vào câu chuyện suốt thời gian 25 năm qua bà Huyền đeo đuổi việc “đòi” lại Bằng “Tổ quốc ghi công” mang tên liệt sĩ Nguyễn Văn Dần mà chưa thành hiện thực.
Mới đây, sau khi bà Huyền mất, con gái đầu của bà và liệt sĩ Nguyễn Văn Dần, là Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1948, tiếp tục thay mẹ có đơn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền Đảng và Nhà nước xem xét giải quyết việc trao Bằng “Tổ quốc ghi công” của liệt sĩ Nguyễn Văn Dần cho gia đình. Dưới đây là bức tâm thư này:
“Kính gửi: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Bố tôi hi sinh đêm 25-7-1954 tại thị xã Sơn Tây, sau một thời gian xác minh và cuối cùng đã được công nhận là liệt sĩ. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ký Bằng “Tổ quốc ghi công” cho Liệt sĩ Nguyễn Văn Dần (Giần) ngày 12-4-1989 (Quyết định số 59-CT/KT ngày 12-4-1989, Bằng số cđ.918 cp). Quá trình triển khai thực hiện trao Bằng “Tổ quốc ghi công” bị ngưng lại vì có một số người ở thị xã Sơn Tây không đồng ý công nhận ông Nguyễn Văn Dần là liệt sĩ. Bởi vậy, Hội đồng Bộ trưởng khi đó đã thành lập Đoàn phúc tra liên cơ quan T.Ư và địa phương, sau gần một năm điều tra xác minh đã có kết luận cuối cùng “ông Dần đủ điều kiện để được xác nhận là liệt sĩ”.
Dù đủ điều kiện công nhận là liệt sĩ nhưng không hiểu vì lý do gì, chính quyền địa phương vẫn không trao Bằng “Tổ quốc ghi công” số 59 (công nhận bố tôi là liệt sĩ) nêu trên cho gia đình tôi. Mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1927 khi ấy là mẹ liệt sĩ (em trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hải hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ) đã phải nhiều lần viết đơn đề nghị xem xét gửi rất nhiều các cơ quan Trung ương và địa phương nhưng gia đình tôi vẫn phải nhiều năm mòn mỏi chờ đợi.
Ngày 20-12-2001, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải có Quyết định số 1590/QĐ-TTg là quyết định cuối cùng về việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Huyền, có đoạn:
“Hơn 10 năm qua, các cơ quan hữu quan của Nhà nước như: Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Nhà nước, Đoàn phúc tra của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tòa hành chính TAND tối cao, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành nhiều đợt thẩm tra, nhiều cuộc họp liên ngành với các cấp chính quyền tỉnh Hà Tây, xem xét hết sức cẩn trọng để giải quyết việc này. Các cơ quan đã hoàn toàn nhất trí khẳng định kết luận và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho thi hành ngay Quyết định số 59/CTKT ngày 12-4-1989 nêu trên.
Văn phòng Chính phủ đã 5 lần có Công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng UBND tỉnh Hà Tây, UBND thị xã Sơn Tây không tổ chức thi hành. Dư luận xã hội bức xúc, công luận phê phán cách xử sự của các cấp chính quyền ở Hà Tây.
Việc UBND tỉnh Hà Tây, UBND thị xã Sơn Tây không thi hành Quyết định số 59/CTKT nêu trên là thể hiện sự coi thường kỷ cương pháp luật, tạo ra tiền lệ xấu về kỷ luật hành chính trong hệ thống các cơ quan hành pháp; làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự công minh và hiệu lực của pháp luật”.
Quyết định số 1590/QĐ-TTg đã yêu cầu phải tổ chức triển khai ngay việc tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Dần và công việc phải hoàn tất trước ngày 31-1-2002.
Rất tiếc rằng, từ đó đến nay gia đình tôi, một gia đình liệt sĩ (chống Mỹ) vẫn chưa được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với bố tôi là liệt sĩ chống Pháp. Điều đau xót hơn là mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Huyền đã mất ngày 23-5-2014. Sau bao nhiêu năm mòn mỏi chờ đợi, trước khi nhắm mắt xuôi tay mẹ tôi vẫn chưa được chứng kiến lễ trao nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” công nhận chồng mình là liệt sĩ chống Pháp.
Mẹ tôi đã mất, nay tôi thay mặt gia đình khẩn thiết đề nghị các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước xem xét giải quyết dứt điểm việc trao tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” liệt sĩ Nguyễn Văn Dần cho gia đình tôi. Kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Bằng “Tổ quốc ghi công” đến nay đã 25 năm, không biết gia đình tôi còn phải tiếp tục hi vọng và chờ đợi đến bao giờ?
Sơn Tây, ngày 4-7-2014.
Nguyễn Thị Hòa