“Quả bóng” chung cư bao giờ nổ?
Đó chỉ là một trong hàng trăm phức tạp khác ở các tòa nhà chung cư của Hà Nội hiện nay mà chính quyền rất khó giải quyết vì phương thức quản lý không phù hơp.
Hầu hết các tòa nhà chung cư ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung được quản lý theo hình thức sau: Chủ đầu tư xây dựng, bán nhà xong, hết thời hạn bảo hành bàn giao cho chính quyền là hết trách nhiệm.
Tòa nhà cử ra ban quản trị. Ban quản trị này thực ra là rất hình thức, vừa không đủ quyền, vừa không có tiền để giải quyết những nảy sinh trong tòa nhà. Vì tòa nhà có bao nhiêu căn hộ thì có bấy nhiêu chủ hộ, có “sổ đỏ” riêng. Trong thực tế rất khó tìm được sự thống nhất trong cả tòa nhà. Đã có chuyện, một tòa nhà chung cư ở Đền Lừ (Hà Nội) hỏng cầu thang máy, thu tiền sửa không được, làm một phụ nữ ở tầng 9 bị sảy thai do phải trèo cầu thang bộ!
Còn nhớ, hơn 10 năm trước chúng tôi trong nhóm báo chí tháp tùng Lãnh đạo Đảng ta sang Trung Quốc, đến tỉnh Quảng Tây, được phía bạn trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà chung cư. Họ rất nhấn mạnh những hệ lụy nếu quản lý kiểu bán nhà xong chủ đầu tư hết trách nhiệm. Mà mỗi tòa nhà phải của một chủ đầu tư (tư nhân), cho thuê căn hộ với thời gian, giá cả rất linh hoạt, ngắn có thể vài tháng, dài tới 80, thậm chí 100 năm…
Cách quản lý này không chỉ phù hợp trong duy tu, bảo dưỡng tòa nhà, còn tiết kiệm quỹ đất, Chính quyền thì “nhàn tênh”… Trung Quốc đi sau, các nước phát triển trên thế giới đều quản lý nhà như thế từ những thế kỷ trước. Rất tiếc chưa là phổ biến ở nước ta.
Nếu chúng ta không khẩn trương thay đổi ngay phương thức đầu tư, quản lý nhà chung cư thì sớm muộn “quả bóng” chung cư cũng nổ. Lại phải giải quyết hậu quả như Hà Nội bây giờ đang không tìm ra “ý chung” cho các khu tập thể xây thời bao cấp xuống cấp.
Huy Thiêm