Qua bài báo “Đằng sau sự khiếu kiện là gì?”: Sự thật đã dần sáng tỏ!
Theo giấy phép thăm dò, khai thác đá xây dựng do UBND tỉnh Bình Dương cấp cho Công ty CP Miền Đông có 4 khu mỏ, bao gồm: mỏ đá Thường Tân VI (khu 1, khu 2) và mỏ đá Thường Tân VII (khu 1, khu 2). Quá trình thăm dò, khai thác, ngày 12-11-2009, Công ty CP Miền Đông ký hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác khu 1 mỏ đá Thường Tân VI và khu 2 mỏ đá Thường Tân VII cho ông Trương Thế Ngọc và ông Võ Minh Đức, đại diện Công ty Long Sơn Phú. Trong hợp đồng chuyển nhượng xác định chỉ chuyển nhượng 90% cổ phần của 2/4 khu mỏ. Theo đó, giá trị chuyển nhượng khu 1 mỏ đá Thường Tân VI với diện tích 30,4ha là 51,68 tỷ đồng và khu hai mỏ đá Thường Tân VII với diện tích 25ha là 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình khai thác ông Trương Thế Ngọc chỉ chuyển trả 47,825 tỷ đồng cho Công ty CP Miền Đông, trong đó 37,825 tỷ đồng cho khu 1 mỏ đá Thường Tân VI và đặt cọc 10 tỷ đồng cho khu 2 mỏ đá Thường Tân VII.
Theo các tài liệu ký kết, Công ty Long Sơn Phú và ông Ngọc chỉ nhận chuyển nhượng 90% giá trị 2 khu mỏ đá. Ngoài ra ông Ngọc và ông Đức không có trách nhiệm và quyền lợi đối với các dự án khác của Công ty CP Miền Đông. Thế nhưng thực tế là ông Ngọc đã lợi dụng chức danh Chủ tịch HĐQT (trong việc thay đổi giấy phép ĐKKD lần 4 ngày 21-1-2010 của Công ty CP Miền Đông), tự ý chuyển khu một mỏ đá Thường Tân VI cho Công ty Long Sơn Phú (công ty cũng do ông Ngọc là Chủ tịch HĐQT) khai thác từ năm 2010 đến hết tháng 6-2013. Trong khoảng thời gian này, Công ty Long Sơn Phú đã khai thác số lượng 303.424,20m3 đá xây dựng. Nếu tính theo đơn giá (với mức giá chưa tính VAT) giao khoán cho các đơn vị khai thác giao động từ 22.200 đến 23.300 đồng/m3 (khối rời), thì giá trị tiền đá xây dựng mà ông Ngọc và Công ty Long Sơn Phú đã khai thác không báo cáo, bỏ ngoài sổ sách gần 7 tỷ đồng (303.424,2m3 x (22.200 + 23.300 đồng/m3) = 6.902.900.550 đồng).
Một điều khuất tất nữa là việc ông Ngọc và Công ty Long Sơn Phú đã tự ý cầm cố tài sản của Công ty CP Miền Đông bằng giá trị của hợp đồng chuyển nhượng hai khu mỏ trên cho Công ty CP Xi Măng Tài Chính CFC trong khi hai ông này chưa thanh toán hết cho Công ty CP Miền Đông số tiền mua hai khu mỏ còn nợ là 43,855 tỷ đồng.
Thêm nữa, riêng về thủ tục nổ mìn thì các hợp đồng mua bán vật liệu nổ công nghiệp do ông Ngọc ký với Công ty TNHH MTV Vật tư công nghiệp Quốc phòng (bằng các Hợp đồng số 559/HĐMB, ngày 20-10-2010, phụ lục số 01-559/HĐMB ngày 15-4-2011, phụ lục số 02-559/HĐMB ngày 12-7-2011 và hợp đồng số 955/HĐMB ngày 6-10-2011, phụ lục số 01-955/HĐMB ngày 2-10-2012) để giao cho Công ty Long Sơn Phú khai thác trốn thuế với tổng khối lượng thuốc nổ là 56.944 kg. Ông Ngọc cũng còn lợi dụng chức danh Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Miền Đông tự ý ký Hợp đồng số 01/12/HĐKT ngày 10-12-2010 về việc mua bán thuốc nổ và dịch vụ nổ mìn với Công ty Long Sơn Phú trong khi Công ty CP Miền Đông không có chức năng mua bán vật liệu nổ chứng tỏ cho thấy có những khuất tất?
Vì vậy, ngày 17-4-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 876 thành lập Đoàn Thanh tra gồm 12 thành viên để thanh kiểm tra Công ty Long Sơn Phú về thủ tục xin phép, cấp phép tài nguyên khoáng sản, xác định khối lượng khai thác tại khu 1 mỏ đá xây dựng Thường Tân VI và kiểm tra thủ tục chuyển nhượng cổ phần tại dự án khu một mỏ đá Thường Tân VI và khu hai mỏ đá Thường Tân VII… và kiểm tra quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế đối với nhà nước. Riêng đối với ông Trương Thế Ngọc, Đoàn Thanh tra tiến hành kiểm tra xác định rõ trách nhiệm về việc trốn thuế, phí đối với nhà nước và chiếm đoạt tài sản doanh nghiệp… thời kỳ giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013.
Thực hư về việc thanh tra này kết luận ai đúng ai sai? Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc khi có kết luận của Đoàn Thanh tra theo Quyết định số 876 của UBND tỉnh Bình Dương.
Quang Ngọc