QĐND Việt Nam thực hiện Công tác dân vận: Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, và thực hiện một trong 3 chức năng của Quân đội đó là “đội quân công tác”, 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng của nhân dân, QĐND Việt Nam luôn “Trung với Đảng, hiếu với dân...”. Ở đâu gian khó, hiểm nguy - ở đó có bộ đội sát cánh cùng với nhân dân; không quản gian khổ, hy sinh để bảo vệ tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã thực sự trở thành phẩm chất cao quý, tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, làm sâu sắc hơn quan hệ gắn bó máu thịt quân - dân, góp phần tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, xứng đáng là Quân đội của nhân dân, Quân đội trong lòng dân.
Bão số 3 - siêu bão Yagi (tháng 9-2024) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền. Không chỉ có sức tàn phá ghê gớm, hoàn lưu bão còn gây ra thảm họa lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương ở miền Bắc. Với tinh thần chủ động, đồng bộ, trước, trong và sau cơn bão, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã ban hành 15 công điện chỉ đạo toàn quân, nhất là các đơn vị trên địa bàn chịu ảnh hưởng của bão; yêu cầu các cơ quan, đơn vị vừa duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, vừa tổ chức lực lượng, phương tiện kịp thời có mặt ở những nơi xảy ra sự cố, xung yếu, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, xung kích đi đầu trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Luôn có mặt ở những nơi xung yếu, gian khó, hiểm nguy, Quân đội đã điều động, sử dụng 143.700 cán bộ, chiến sĩ; 4.290 phương tiện phối hợp với các lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ. Tổ chức tìm kiếm, cứu nạn được 870 người; tìm kiếm được 225 thi thể, 7 phương tiện bàn giao cho địa phương; neo giữ 4 tàu hút cát trôi tự do trên sông, không để gây mất an toàn. Phối hợp xử lý các sự cố sạt trượt, gia cố các công trình trọng điểm, đê điều, hồ đập; sửa chữa, khôi phục hệ thống điện, thông tin liên lạc, đường giao thông, trường học, cơ sở khám chữa bệnh,…
Đúng như chỉ đạo của Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3: “Tính mạng con người là trên hết, trước hết”, “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội”, bộ đội và dân quân đã chủ động đến với nhân dân, giúp nhân dân phòng, chống, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão số 3.
Trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, Quân đội luôn xung kích trên tuyến đầu, thực sự là lực lượng nòng cốt, có mặt kịp thời tại những nơi hiểm nguy; tham gia khắc phục hậu quả hạn hán, cháy rừng, mưa lũ, xâm nhập mặn...
Các cơ quan, đơn vị Quân đội chủ động thực hiện tốt các nội dung tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Bộ đội luôn sâu sát, gần gũi với nhân dân, “cùng ăn”, “cùng ở”, “cùng làm”, “cùng nói tiếng dân tộc”; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, lực lượng trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Đồng thời tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, củng cố quốc phòng, an ninh... Đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” với các chỉ tiêu cụ thể, sát đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị, sát địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, biên giới, hải đảo.
Quá trình tổ chức thực hiện công tác dân vận đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo hiệu quả, có sức lan tỏa và ý nghĩa, như các mô hình: “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” của Quân khu 7; “Gắn kết giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương” của Binh đoàn 15; “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” của BĐBP; “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Tết quân - dân”...
Thông qua các phong trào, mô hình, toàn quân phối hợp làm mới, sửa chữa, nâng cấp 96.984km đường nông thôn; hàng trăm nghìn ki-lô-mét kênh mương nội đồng, lưới điện; xây dựng hàng nghìn nhà văn hóa; nhà ở chính sách cho người nghèo, hộ nghèo, người có công; xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xây tặng và hỗ trợ xây dựng hàng trăm trường, lớp, phòng học; tham gia xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho học sinh, trao học bổng, tặng sách, vở và đồ dùng học tập... Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, toàn quân tham gia với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “ở đâu có khó khăn, ở đó có bộ đội”, “bộ đội chủ động đến với nhân dân chứ không đợi người dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”...
80 năm qua, thực hiện chức năng “đội quân công tác”, bất cứ nơi đâu gian khó, hiểm nguy, ở đó có bộ đội sát cánh cùng với nhân dân, không quản gian khổ, hy sinh để bảo vệ tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Danh xưng Bộ đội Cụ Hồ thực sự trở thành phẩm chất cao quý, tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, làm sâu sắc hơn quan hệ gắn bó máu thịt quân - dân, góp phần tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, xứng đáng là Quân đội của nhân dân, Quân đội trong lòng dân.
Nguyễn Pháp