Phương thức cho vay ủy thác tín dụng chính sách: “Bà đỡ” đối tượng chính sách và hộ nghèo

Ngày 9-6-2020, cán bộ Ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam thăm và làm việc tại trang trại CCB Trân Nuôi, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh về kết quả thực hiện vay vốn Ngân hàng CSXH.

Xuyên suốt hai nhiệm kỳ V và VI, Nghị quyết Đại hội Hội CCB Việt Nam đều chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội là: "Động viên CCB nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp. Tham gia tích cực và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, đất nước". Đồng thời, BCH cũng xác định  làm tốt nhiệm vụ trên là góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới do Đảng, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.  

Góp phần  thực hiện Nghị quyết, những năm qua T.Ư Hội, mà trực tiếp là  Ban Kinh tế Hội CCB Việt Nam đã phối hợp chăt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện Thỏa thuận ủy thác cho vay vốn đối với các đối tượng chính sách và hộ nghèo, theo Điều 5 Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4-12-2002 của Chính phủ.

Qua 5 năm (giai đoạn 2015-2020), Hội CCB Việt Nam tổ chức, tuyên truyền, vận động các thế hệ hội viên giữ gìn, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi"  thực hiện tốt, trách nhiệm, có hiệu quả trong hoạt động ủy thác, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên CCB, cũng như đối tượng chính sách và hộ nghèo, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở cơ sở.

Tính đến ngày 30-6-2020, cả hệ thống, tổng dư nợ theo phương thức cho vay ủy thác của NHCSXH thông qua 4 Hội đoàn thể là 218.602 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của NHCSXH); tăng so với năm 2014 là 90.491 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 11,77%. Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 38,78%, Hội Nông dân 30,64%, Hội CCB Việt Nam 16,7%, Đoàn Thanh niên 13,87%.

Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của đối tượng chính sách và người nghèo, góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1.117 nghìn lao động; hơn 337 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 6,5 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 114 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo; hơn 7 nghìn căn nhà ở xã hội...

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống đối tượng chính sách và hộ nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng; tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đồng hành cùng các Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội CCB Việt Nam có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, tích cực tham gia công tác ủy thác, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước.

Dư nợ năm 2014 là 19.761 tỷ đồng. Tháng 6-2020, dư nợ đạt 36.510 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 là 54,12% (16.749 tỷ đồng); về chất lượng ủy thác, nợ quá hạn cũng giảm đáng kể, năm 2014 là 0,40%, đến tháng 6-2020 còn 0,26% (giảm 0,14%). Chất lượng hoạt động ở Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TKVV) cũng được củng cố và nâng lên rõ rệt; tổ tốt năm 2014 chiếm 63,18%/tổng số tổ, tới tháng 6-2020 tổ tốt chiếm 84,95%. Tổ khá, tổ trung bình, tổ yếu giảm đi rõ rệt; năm 2014 tổ khá chiếm 31,58%/tổng số tổ, đến tháng 6-2020 còn 10,56%. Trong đó, không phát sinh các vụ việc mới “vay ké”, chiếm dụng vốn. Hiện nay Hội CCB các tỉnh, thành đang tích cực cùng Ngân hàng, cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tồn đọng của giai đoạn trước.

5 năm qua, bằng các nguồn vốn huy động cùng vốn vay của NHCSXH, Hội CCB Việt Nam đã giải quyết được 562.585 việc làm cho CCB và con em CCB. Tính đến tháng 6-2020 giảm được 87.907 hộ CCB nghèo (giảm 1,98%); 50.881 hộ CCB cận nghèo (giảm 0,95%). Hiện đã có 4.766/10.922 xã, phường, thị trấn, 220/704 huyện, thị, thành phố hết hộ CCB nghèo; 37/63 tỉnh, thành Hội cơ bản hết hộ CCB nghèo; tỷ lệ khá giàu là 55,89%. Xóa được 24.309 nhà dột nát, tạm bợ cho hội viên. Đây cũng là kết quả nổi bật của Hội CCB Việt Nam 5 năm qua, góp phần phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp cho hội viên.  

Để hoạt động ủy thác ngày càng tốt hơn đòi hỏi phải tích cực hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các hội viên CCB, nhất là hội viên, hộ thuộc diện nghèo;  kịp thời chấn chỉnh những  hạn chế trong hoạt động ủy thác, đồng thời tăng cường phối hợp với NHCSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương, các Hội, đoàn thể... để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy thác; trong đó chú trọng củng cố Tổ TKVV; chấp hành nghiêm túc, thực hiện có trách nhiệm với Hợp đồng ủy nhiệm đã ký với Ngân hàng; kiểm tra, giám sát đảm bảo số lượng, chất lượng, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn đối với cán bộ làm công tác ủy thác từ khâu lập kế hoạch, tổ chức kiểm tra, kỹ năng kiểm tra, giám sát, theo dõi, nhất là các hộ vay, Ban quản lý Tổ TKVV; đặc biệt chú ý những nơi có tỷ lệ Tổ TKVV yếu kém cao, nơi có nhiều hộ vay đi khỏi địa phương; điều chỉnh, bổ sung những quy định trong hoạt động ủy thác,  như xác lập sự phối hợp giữa Trưởng thôn và Hội, đoàn thể xã hội trong công tác ủy thác; tăng tỷ lệ phí ủy thác cho cấp cơ sở; tỷ lệ hợp lý giữa vùng khó khăn và không khó khăn; giữa kiểm tra và giám sát của các cấp Hội; số Tổ TKVV giữa các Hội, đoàn thể...

Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, Hội CCB Việt Nam nói riêng là phương thức ưu việt của chế độ ta -  chỉ có ở Việt Nam, nên cần đánh giá tổng kết, bổ sung, điều chỉnh trong giai đoạn mới nhằm làm phong phú hơn những kết quả đạt được; trở thành trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, trong đó có hội viên CCB.

Vũ Ngọc Bình - Trường ban Kinh tế T.Ư Hội CCB Việt Nam