Phương Tây hỗ trợ tình báo cho Ukraine như thế nào?
Hình ảnh thiệt hại của quân đội Nga tại Ukraine được báo chí phương Tây đăng tải càng nhiều càng tốt để tạo hình ảnh một chiều về cuộc chiến.
Công khai thông tin tình báo mật
Trước và sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2-2022, các cơ quan tình báo Mỹ và Anh đã công khai hóa những thông tin tình báo bí mật mà thông thường họ luôn giữ kín.
Đầu tháng 11-2021, Giám đốc CIA - William Burns đến Moscow để cảnh báo: “Mỹ biết rõ các hoạt động chuyển quân của Nga”. Ngay sau khi chuyến đi kết thúc, Đại sứ quán Mỹ ở Moscow thông báo rằng ông Burns đã gặp gỡ các quan chức cấp cao Nga. Đồng thời, thông tin chi tiết về chuyến đi được Mỹ chia sẻ với các đồng minh thân cận là Anh, Canada, Australia và New Zealand, và kể cả với Ukraine. Tiếp theo, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) - Avril Haines được cử đến Brussels để thông báo với các thành viên NATO về các thông tin tình báo liên quan đến ý định của Nga đưa quân vào Ukraine.
Tháng 1-2022, khi Nga dồn quân đến gần biên giới Ukraine, Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố cáo buộc Nga “muốn dựng lên một chế độ thân Moscow ở Ukraine”. Anh nói rằng việc công khai hóa thông tin tình báo trong tình huống này là do “tình huống cấp bách”.
Trong quá trình quân đội Nga triển khai chiến dịch, Mỹ, Anh thường tung thông tin tình báo cho rằng Tổng thống Nga - Vladimir Putin được báo cáo thiếu trung thực về thực tế chiến trường ở Ukraine vì các cố vấn không dám nói thật với ông những sai lầm chiến thuật trong chỉ huy tác chiến. Đồng thời, các thông tin tình báo bí mật được công bố công khai với nhịp độ và quy mô chưa từng có.
Mỹ và phương Tây cố tình tung ra những thông tin tình báo là nhằm mục đích gửi đến Tổng thống Putin thông điệp rằng ông đang bị “theo dõi chặt chẽ”, rằng “chúng tôi đang theo dõi sát mọi hành động của ông”. Đồng thời, cũng nhằm mục đích ngăn chặn Nga có hành động leo thang - trước là đưa quân đội tấn công Ukraine và nay là sử dụng các loại vũ khí hủy diệt. Mặt khác, biện pháp này khiến các thành viên khối NATO trở nên “đoàn kết” hơn trong vấn đề Ukraine.
Tận dụng, nhào nặn các nguồn thông tin mở từ chiến trường
Từ khi cuộc chiến nổ ra, tình báo Mỹ, Anh đã đẩy mạnh việc can thiệp, nghe lén các cuộc gọi điện thoại của binh sĩ Nga cho người thân ở quê nhà hoặc với đồng đội, rồi tung lên mạng xã hội hoặc báo chí nhằm mục đích tuyên truyền một phía, rêu rao, làm xấu hình ảnh quân đội Nga đang tác chiến trên đất Ukraine.
Thậm chí, tình báo phương Tây còn cấp miễn phí điện thoại cho binh sĩ Ukraine. Những chiếc điện thoại đó được hòa mạng và “xử lý” để có thể kiểm soát, can thiệp, thu thập thông tin bất cứ khi nào họ muốn. Những chiếc điện thoại này, khi bị binh sĩ Ukraine “đánh rơi” hay “vứt bỏ” sẽ được binh sĩ Nga nhặt và sử dụng, qua đó, vô hình trung trở thành nguồn cung cấp thông tin tình báo cho phía Ukrane. Đương nhiên những thông tin này được chọn lọc kỹ lưỡng, có ý đồ tuyên truyền một phía trước khi tung ra công chúng. Đây là một kiểu chiến tranh thông tin, một cuộc chiến tuyên truyền.
Chưa hết, trên mạng xã hội Twitter, các video và hình ảnh về các khí tài, thiết bị quân sự của Nga bị phá hủy được đăng tải càng nhiều càng tốt nhằm mục đích tuyên truyền tiêu cực. Những hình ảnh về khí tài, thiết bị của Ukraine bị phá hủy xuất hiện ít hơn.
Chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine
Thông tin tình báo được Mỹ chia sẻ với Ukraine từ rất sớm, ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Điển hình, vào giữa tháng 1-2022, Giám đốc CIA đã báo với Tổng thống Ukraine rằng Nga có kế hoạch đánh chiếm sân bay Hostomel gần Kiev để đổ bộ vào Ukraine bằng đường không. Nhờ thông tin đó, các lực lượng Ukraine đã có sự chuẩn bị phòng vệ chặt chẽ vị trí chiến lược này, khiến cho lực lượng Nga không thể nắm quyền kiểm soát hoàn toàn sân bay Hostomel.
Trong quá trình cuộc chiến, Mỹ thường cung cấp thông tin tình báo thời gian thực về vị trí và thời gian các đợt phóng tên lửa của Nga, giúp cho Kiev kịp thời di chuyển và cất giấu bớt các phương tiện chiến tranh trọng yếu, từ đó ngăn chặn Nga đạt hiệu quả tác chiến cao. Tình báo Mỹ cũng được cho là đã cung cấp tin tình báo giúp phía Ukraine đánh trúng soái hạm Moscow của Hải quân Nga ngày 14-4-2023.
Như vậy, không chỉ cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ và đồng minh đã can dự thực tế vào cuộc chiến ở đây. Tuy nhiên, nhiều quan chức tình báo Mỹ đã lên tiếng cảnh báo hành động leo thang nghiêm trọng này có thể gây ra phản ứng đáp trả từ phía Moscow.
Nguyên Phong