Phường KIM LIÊN (Hà Nội):Chính quyền bất lực trước công trình vi phạm trật tự xây dựng

**Ngang nhiên xây dựng trên đất công **
Cuối tháng 6-2015, bà Nguyễn Thị Đại (P109, B8b KTT Kim Liên) có đơn đề nghị UBND phường Kim Liên cho phép được cải tạo, xây dựng lại căn nhà mua của bà Vũ Thị Kim Khang (P10, B12 KTT Kim Liên) với tổng diện tích thực tế sử dụng là 216,2m2. Đơn của bà Đại còn có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố số 8 phường Kim Liên chứng nhận: "nội dung trình bày là đúng".
Bà Đại trình bày: nhà bà hư hỏng nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống và an toàn tính mạng, nên đề nghị phường xem xét giúp đỡ. Tuy nhiên, khi bà Đại khởi công sửa chữa thì người dân phường Kim Liên có đơn kiến nghị: việc xây dựng của nhà bà Đại không chỉ lấn chiếm đất lưu không để xây dựng nhà kiên cố cao tầng không phép, mà còn xâm phạm cây xanh. Thực tế tại hiện trường, 2 cây cổ thụ có đường kính hơn một người ôm nằm gọn trong khuôn viên công trình xây dựng, một phần ban công công trình phải thụt vào vì vướng cây xanh. Vậy cây xanh mọc vào phần đất nhà bà Đại hay nhà bà Đại lấn chiếm đất ra sát cây xanh?
Căn cứ biên lai thu thuế nhà, đất cung cấp tại phường, năm 1994, diện tích đất phi nông nghiệp chủ cũ phải nộp là 140m2. Đến năm 2014, khi bà Đại tiếp quản việc nộp thuế thì diện tích đất đã tăng thêm thành 216,2m2. Diện tích ghi trên biên lai thu thuế sử dụng đất làm căn cứ để bà Đại xin phép xây dựng sửa chữa nhà. Tuy nhiên, theo biên bản xử lý vi phạm TTXD của Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa, quá trình bà Đại xây dựng nhà ở không phép đã tăng diện tích từ 216,2m2 lên 240,27m2. Đây là lý do để công trình xây dựng tiến sát vào gốc cây xanh cổ thụ và ôm gọn toàn bộ cây vào khuôn viên nhà?

Nộp phạt xong là yên tâm hoàn thiện
Khoản 2, Điều 2 quyết định đình chỉ thi công số 264 (ngày 1-8-2015) do Phó chủ tịch UBND phường Kim Liên - Nguyễn Quang Sơn ký yêu cầu: Quá thời hạn 3 ngày (kể cả ngày nghỉ), kể từ ngày ban hành quyết định này, nếu chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng công trình thì bị cưỡng chế phá dỡ công trình". Sau "tối hậu thư" đó, một số đề nghị tạm ngừng cấp điện, nước cho công trình đã được ông Nguyễn Quang Sơn gửi các ngành chức năng.
Đáp lại, ngày 26-8, Điện lực quận Đống Đa đã có văn bản ngừng cấp điện gửi UBND phường Kim Liên và chủ đầu tư. Sau đó, UBND đã 2 lần có biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện (vào các ngày 4-8 và 4-9), đối với đơn vị thi công. Thậm chí đến ngày 31-8-2015, Thanh tra xây dựng quận Đống Đa tiếp tục có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND phường Kim Liên có biện pháp kiên quyết xử lý công trình sai phạm này. Ngày 14-10-2015, Thanh tra xây dựng quận Đống Đa tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính với công trình B12 Kim Liên. Và cuối cùng, ngày 20-10-2015, một lần nữa UBND phường Kim Liên lại ra quyết định xử phạt với mức 4 triệu đồng với chủ công trình, buộc bà Đại phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu! Tuy nhiên đến thời điểm này, công trình không phép nói trên đang bước vào giai đoạn hoàn thiện…nước rút!

Biên bản xử phạt “qua mắt” chính quyền?
Theo người dân sở tại, khi bà Đại trình bày hoàn cảnh nhà cửa xuống cấp, dột nát, mong có nơi ăn chốn ở khang trang hơn thì mọi người cũng thông cảm. Nhưng khi thấy bà Đại có ý định nâng công trình lên 3 tầng, thể hiện lời nói không đi đôi với việc làm nên họ rất bất bình. Mà nơi có thẩm quyền ngăn chặn là chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tai hại ở sự xác nhận của đại diện tổ dân phố vào đơn xin phép sửa chữa nhà của bà Đại đã tạo điều kiện cho chính quyền sở tại dễ "thông cảm" hơn với hành vi vi phạm của gia chủ? Điều này thể hiện ở việc, mỗi lần Thanh tra xây dựng lập biên bản là một lần ghi nhận sự tăng thêm của công trình vi phạm. Mặc dù ngay từ đầu, Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa đã kiến nghị chính quyền địa phương ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo thẩm quyền, tuy nhiên trong hồ sơ cung cấp cho phóng viên không thấy có quyết định cưỡng chế. Liệu đây có phải là sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa Đội Thanh tra xây dựng quận và chính quyền phường Kim Liên trong việc quản lý, xử lý vi phạm, hay còn có lý do nào khác?!
Ông Nguyễn Quang Sơn - Phó chủ tịch UBND phường Kim Liên thừa nhận: Trước khi xây dựng, bà Nguyễn Thị Đại có xin giấy phép, nhưng khu vực này đã được quy hoạch và diện tích này thuộc hành lang bảo vệ nhà cao tầng nên không được cấp giấy phép. "UBND phường đã lập biên bản vi phạm; nhưng họ xây dựng trên đất không lấn chiếm; họ làm trên nguyên trạng cũ, vì vậy nếu cưỡng chế cũng… khó cho địa phương" - ông Sơn cho biết tiếp! Được biết, khi gia đình bà Đại bắt đầu xây dựng, đã có nhiều đơn từ phản ánh đến cấp có thẩm quyền; điều kỳ lạ là Thanh tra xây dựng quận và UBND phường đã đưa ra rất nhiều quyết định xử lý nhưng đến nay công trình này vẫn ung dung tồn tại.
Về nguyên tắc đất tập thể (đất công) là diện tích sử dụng chung, không được phép xây dựng. Nếu đã xây dựng sẽ bị xử phạt hành chính, buộc khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Nếu không tự nguyện phá dỡ công trình, sẽ bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ…
Theo tìm hiểu của PV, tại phường Kim Liên, không chỉ có nhà đầu hồi B12 vi phạm, song song với khu nhà tập thể này là nhà B13, cũng tồn tại một vài công trình xây dựng như nhà 25-B13 hàng Mỹ Miều cũng trong tình trạng tương tự. Trao đổi với PV, một cán bộ xây dựng quận Đống Đa thừa nhận sự “bất lực” của chính quyền cấp phường trước các công trình này. Lí do mà cán bộ này nói, là do có “quan hệ” với “quan” cấp trên nên áp dụng luật rất khó thực thi!?
Bài và ảnh: HOÀNG THANH