Phước Thạnh - Tiền Giang với xây dựng CLB cựu quân nhân: Những cách làm hay
Từ năm 1992, Phước Thạnh (TP Mỹ Tho) bắt đầu thành lập 3 CLB CQN với 179 thành viên, đến năm 2009 ở đây đã phát triển được 5 CLB. Cùng với việc thường xuyên tổ chức gặp mặt thành viên nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm, động viên nhau giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, các CLB - CQN ở Phước Thạnh còn tích cực động viên hội viên phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động của xã… Sau 14 năm xây dựng và hoạt động (từ năm 1992 đến 2014), số quỹ của CLB - CQN đã giúp được hàng chục lượt hội viên vay để phát triển kinh tế.
CLB - CQN ấp Long Mỹ (Phước Thạnh) được sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ, chính quyền ấp, ngoài việc đảm bảo sinh hoạt nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm, CLB ở đây duy trì sinh hoạt hằng tháng (vào ngày 13), thu hút toàn bộ các đoàn thể ấp và cả nam, nữ thanh niên ngoài CLB đến tham gia. Chi bộ còn vận động “mạnh thường quân” mua sắm trang thiết bị âm thanh, nhạc cụ trị giá trên 15 triệu đồng, tạo điều kiện cho CLB sinh hoạt thêm phong phú.
Ngoài ra, CLB còn có những việc làm nghĩa tình như: xây dựng quỹ tình nghĩa (gần 6.000.000 đồng) cho những CQN khó khăn vay không lãi để mua cây, con giống chăn nuôi, trồng trọt cải thiện đời sống và góp vốn xoay vòng hằng tháng 1.500.000 đồng/người. CLB cùng với Chi hội CCB nhận giám sát thi công các công trình công cộng của ấp bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình; tham gia tuần tra canh gác trong các ngày lễ, tết… Đặc biệt, tại các CLB ấp Long Hưng, CLB ấp Phước Hòa, nhiều CQN là nòng cốt của tổ dân phòng, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Đa dạng hóa phương pháp tập hợp, tổ chức hoạt động, mô hình CLB – CQN trên địa bàn xã Phước Thạnh, nay có 204 CQN với tổng số tham gia sinh hoạt CLB chiếm 97%.
Cần những “bà đỡ”
“Chiếc gậy” vững chắc của các CCB Phước Thạnh trong những ngày đầu đi vận động thành lập CLB - CQN là Nghị quyết chuyên đề của Đảng uỷ địa phương. Sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương đã thể hiện bằng việc làm cụ thể, hỗ trợ thiết thực, nên đã huy động được tỉ lệ CQN tham gia CLB sinh hoạt khá cao. Qua đó, vai trò của CLB – CQN được khẳng định, như đã tham mưu, giải quyết chế độ chính sách cho CQN, anh em tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, đội dân phòng nhiều hơn…
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các CLB – CQN trên địa bàn cho thấy ở một số ấp còn lại, sự quan tâm, vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền còn hạn chế, thiếu đồng bộ; sự phối hợp giữa Chi hội CCB với Đoàn thanh niên và cơ quan Quân sự chưa chặt chẽ nên việc tập hợp, vận động CQN vào CLB còn gặp khó khăn, hoặc đã có nhưng chất lượng hoạt động còn hạn chế; nguyên tắc hoạt động của CLB là tự nguyện, mọi chi phí đều do hội viên đóng góp, nên ở một số địa bàn khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì hoạt động và thu hút thành viên…
Theo Bí thư Chi bộ ấp Long Mỹ - Võ Văn Mót: Dù là hoạt động trên tinh thần “tự nguyện, tự giác, tự trang trải”, nhưng việc địa phương kêu gọi các “mạnh thường quân” tài trợ kinh phí hoạt động cho CLB và tạo điều kiện cho họ đảm nhận các phần việc của địa phương để gây quỹ hoạt động là điều rất cần thiết. Chỉ khi đó, các CLB – CQN mới phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu đang đặt ra…
HỒNG LÂM