Phum sóc rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây
Đón mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức nhiều đoàn đến các chùa chúc Tết.
Chôl Chnăm Thmây (lễ Chịu tuổi) là Tết cổ truyền lớn nhất của đồng bào dân tộc Khmer, có ý nghĩa mở đầu cho năm mới, đón chào một vụ mùa mới. Năm nay, Tết diễn ra trong 3 ngày, từ 14 đến 16-4-2023 với nhiều hoạt động ý nghĩa, vui tươi, trong niềm vui lúa được mùa, tôm được giá, đồng bào Khmer Sóc Trăng đang đón một cái Tết ấm áp, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phum sóc đón Tết Chôl Chnăm Thmây
Vào những ngày giữa tháng 4, khi đi từng phum sóc sẽ dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền của đồng bào Khmer. Mọi gia đình đều tranh thủ quét dọn nhà cửa sạch sẽ; các chùa trang trí cờ hoa, sơn phết lại vách tường, tu sửa các công trình phụ, dọn dẹp cảnh quan môi trường để tạo diện mạo mới cho chùa; để có được cái Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an toàn và đậm đà bản sắc dân tộc.
Chùa Luông Bassac Bãi Xàu (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer lớn có nhiều phật tử đến vào mỗi dịp lễ, Tết. Để chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, Ban Quản trị chùa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động cần thiết, ông Sơn Sal - Trưởng ban Quản trị chùa Luông Bassac Bãi Xàu cho biết: “Đây là Tết lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer nên chúng tôi phải chuẩn bị trang hoàng nhất, với hy vọng năm mới bà con phật tử hưởng mọi điều tốt lành, hạnh phúc. Qua đó, thể hiện ý nghĩa tích phúc đức, mong cầu được điều lành, lộc tài cho con cháu”.
Việc chuẩn bị tại chùa là vậy, còn tại nhà bà con phật tử cũng tất bật, rộn ràng, ấm áp. Hơn 30 năm nay, gia đình bà Thạch Thị Sà Bươl ở ấp Bưng Sa, xã Viên An (Trần Đề, Sóc Trăng) vẫn duy trì thói quen gói bánh tét, bánh gừng mỗi khi đến Tết Chôl Chnăm Thmây… Bà Bươl phấn khởi nói: “Năm nay mùa màng của phum sóc có nhiều khởi sắc, đời sống cũng từng bước được nâng lên, vì vậy ai cũng phấn khởi chuẩn bị hưởng một cái Tết thật đầm ấm, sung túc. Trước là để dâng lên bàn thờ tổ tiên, sau là để làm quà biếu bà con xóm giềng. Không chỉ có thế, việc làm bánh còn có ý nghĩa giáo dục cho con cháu biết yêu quý, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của ngày Tết”.
Còn ông Kim Thia ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải (Vĩnh Hải, Sóc Trăng) chia sẻ: “Mỗi dịp Tết cổ truyền hằng năm, tôi luôn nhắc nhở con cháu làm ăn xa cố gắng thu xếp về quê nhà để làm tròn bổn phận. Chúng tôi muốn các thành viên trong gia đình phải luôn ghi nhớ công ơn của tổ tiên và những người có công với phum sóc. Qua đó, thêm yêu quý nguồn cội và ra sức gìn giữ những nét đẹp văn hóa của lễ hội này”.
Rộn ràng đón Tết vui tươi, ấm áp
Để có được cái Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an toàn và đậm đà bản sắc dân tộc. Ông Lý Rô Tha - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Những ngày này nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer đón Tết vui tươi, ấm áp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tổ chức thăm viếng, chúc mừng và tặng quà tất cả các chùa Khmer, gia đình chính sách, gia đình nghèo, những người có uy tín, tiêu biểu trong phum sóc… Sự quan tâm đó làm cho cái Tết cổ truyền của đồng bào thêm vui tươi, đậm đà ý nghĩa”.
Theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, vào thời khắc mở đầu năm mới, bà con đi dâng hoa, nghe lời kinh, niệm Phật. Sau phần lễ, bà con bước vào không khí tưng bừng của ngày Tết, phật tử đến chùa chiêm bái, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài ra, mọi người còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ như múa rô băm, điệu nhảy lâm thôn... dưới dàn nhạc ngũ âm.
Sự đổi thay, sung túc ở phum sóc hiện rõ qua việc tổ chức đón Tết của đồng bào Khmer Sóc Trăng. Càng gần những ngày Tết, không khí càng hân hoan, tưng bừng. Hòa thượng Tăng Nô - Sư cả chùa Khleang (T.P Sóc Trăng), Trưởng ban Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết:Ông rất vui khi mỗi lần Tết mới là thêm một lần chứng kiến sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào Khmer. Sức sống mới thể hiện trên gương mặt phấn khởi của từng người; trên màu từng nếp nhà vừa được xây dựng, sửa sang khang trang; trên từng mâm cơm cúng tổ tiên, dâng các nhà sư với tất cả sự thành kính… Đó là nhờ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù của Chính phủ, các Bộ, ngành dành cho đồng bào Khmer.
“Những năm gần đây, bà con Khmer luôn ý thức chi tiêu tiết kiệm trong các dịp lễ, Tết truyền thống. Đây còn là dịp để đồng bào Khmer thắt chặt tình đoàn kết với đồng bào Kinh” - Hòa thượng Tăng Nô chia sẻ.
Đón Tết Chôl Chnăm Thmây - 2023, trong thời khắc mở đầu năm mới là đi trong hương hoa, nghe lời cầu kinh, niệm phật râm ran và được xem các lễ hội dân gian linh đình. Tất cả diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm thể hiện cuộc sống mới ngày càng sung túc của người Khmer vùng sông nước Cửu Long.
Phương Nghi