Phú Thọ: Con đường khởi nghiệp của cựu chiến binh thành tỷ phú nhà vườn
Cựu chiến binh Lê Đình Hưởng và những gốc bưởi diễn tử 15 năm tuổi trở lên.
Cựu chiến binh (CCB) Lê Đình Hưởng - một chủ trang trại có tiếng làm ăn hiệu quả vào bậc nhất ở xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy. Sau 13 năm “khởi nghiệp”, đến nay ông đã xây dựng thành công mô hình trang trại, đem lại lợi ích kinh tế cao, với mức thu nhập mỗi năm gần 10 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Trải lòng của CCB về con đường “khởi nghiệp”
Sinh năm 1965, khi vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên Lê Đình Hưởng tình nguyện nhập ngũ. Sau hơn 3 năm phục vụ trong quân đội, đóng chốt trên cao điểm 827, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đến cuối năm 1987, Lê Đình Hưởng xuất ngũ trở về địa phương xây dựng gia đình.
Cũng từ đó, nỗi lo cơm áo gạo tiền hỗ trợ bố mẹ già nuôi 4 người em ăn học trưởng thành bắt đầu đè nặng lên đôi vai Lê Đình Hưởng. Để có được bữa ăn hằng ngày, ngoài việc chăm lo cấy cày 8 sào ruộng khoán của hợp tác xã; vợ chồng ông phải bươn chải đủ mọi nghề, từ bới đất, lật cỏ, cấy lúa, trồng ngô; khai hóa tận dụng từng mét đất bỏ hoang để trồng thêm khóm sắn, rạch khoai, tới việc mò cua, đánh dậm, kéo lưới, đóng gạch, đốt vôi... với mong có cái chống đói những ngày giáp hạt.
Khi Nhà nước ban hành chính sách đổi mới trong nông nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình; năm 2002, ông mạnh dạn nhận đấu thầu của UBND xã 7.000m2 đất bạc màu, ngay cạnh khu nghĩa địa mà các chủ lò gạch trước đây bỏ lại. Với 5 triệu đồng tiết kiệm được sau 15 năm, cùng với 5 triệu đồng vay thêm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông Hưởng mở một lò đốt vôi, đáp ứng nhu cầu xây dựng của nhân dân trong làng.
Đến năm 2006, khi ngành công nghiệp sản xuất xi măng phát triển, vôi sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ, thế là ông quyết định chuyển sang làm trang trại. Song, làm như thế nào, trồng cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả, giống vốn đầu tư lấy đâu ra… là những điều luôn làm ông trăn trở.
Ông cho biết, đó là những quyết định khó khăn nhất trong đời, bởi nghề chăn nuôi này có tính rủi ro rất cao, không ít người đã vỡ mộng, mang nợ suốt đời. Rút ra bài học từ sự thất bại của mọi người, ông Hưởng triển khai xây dựng trang trại theo phương châm: Lấy công làm lãi, lấy ngắn nuôi dài, có tới đâu đầu tư tới đó, vừa làm vừa học hỏi và tự rút kinh nghiệm. Bởi vậy, mô hình trang trại của ông từng bước phát triển và đem lại hiệu quả vững chắc.
Từ sau lứa thu hoạch cá và đàn lợn đầu tiên có lãi càng làm ông tự tin, dồn hết sức lực vào đầu tư quy hoạch, xây dựng hệ thống chuồng trại; nạo vét, cơi nới, cải tạo lại ao, vườn để tính kế dài lâu. Trong 4 năm từ 2007 đến 2010, ông đã dồn đổi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình và mua thêm đất chuyển nhượng của bà con trong làng để mở rộng khu trang trại, với tổng diện tích hơn 4ha.
Ông mạnh dạn vay ngân hàng và anh em, bạn bè gần 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng 1.500m2 chuồng trại, với 3 dãy chuồng nuôi lợn thịt, mỗi chuồng 120 con; 1 dãy chuồng lợn nái với hơn 100 con; cải tạo, nâng cấp gần 3ha vườn trồng bưởi Diễn và ổi Đài Loan; mở rộng ao nuôi cá với 9.000m2 mặt nước... Tất cả hệ thống chuồng trại được xây dựng liên hoàn theo mô hình công nghiệp và lắp đặt hệ thống làm mát, quạt thông gió, hầm bi-ô-ga thu gom xử lý chất thải theo công nghệ mới của Thái Lan, với dung tích 450m3, bảo đảm giữ chuồng trại luôn sạch sẽ, giữ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, tránh được các bệnh dịch phát sinh.
Thành quả của những ngày gian khó
Năm 2015 là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thành công của ông với nhiều giải thưởng cao quý như lễ tôn vinh và trao danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015 do Hội nông dân Việt Nam – Ban Tuyên Giáo TW – Bộ Công Thương – Bộ NN&PTNT tổ chức. Ông được nhận danh hiệu trên do trực tiếp Bộ Trưởng Cao Đức Phát trao tặng tại nhà hát lớn Hà Nội
Đặc biệt ông được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng ảnh lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm phủ chủ tịch vào tháng 10 năm 2015.
Ông Hưởng cho biết, trung bình mỗi năm, trang trại của ông bán được 3 đến 4 lứa lợn thịt, tổng trọng lượng khoảng 120 tấn, giá bình quân 45 ngàn đồng/1kg, đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng; cùng với 1.800 con lợn giống sinh sản mỗi năm, trừ số để nuôi 1.200 con, còn lại cung cấp giống nuôi cho nhân dân trong vùng, giá mỗi con, sau 24 ngày tuổi là 1,2 triệu đồng, đã đem lại cho ông hơn 700 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng từ việc tận dụng chất thải chăn nuôi để chăm bón, cải tạo vườn cây ăn quả; làm nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt; sưởi ấm cho đàn lợn về mùa đông và bổ sung thêm nguồn thức ăn cho cá. Đây là thứ mà các loại cá rô phi đơn tính, chép lai, nheo, mè… rất ưa thích. Ông Hưởng cho biết, với 5 ao cá, mỗi năm cũng thu được khoảng 3 tấn cá thịt và 5 tạ cá giống, đem lại doanh thu gần 200 triệu đồng.
Hiện nay, trong vườn của ông đang có 400 trong tổng số 1.000 gốc bưởi Diễn và 200 gốc ổi Đài Loan đã cho thu hoạch mỗi năm khoảng 200 triệu đồng, trong đó riêng thu từ bưởi khoảng 150 triệu đồng.
Ông Hưởng cho biết, do áp dụng phương thức chăm bón, bảo vệ hợp lý nên chất lượng các loại quả vườn nhà ông rất to, đạt đủ các tiêu chí về chất lượng: “Đẹp, ngon, ngọt, mát, thơm, giòn” được người tiêu dùng rất ưa thích. Hằng năm, trước mùa thu hoạch, các thương lái ở Hà Nội đều về tận vườn đặt mua.
Ông còn có 1ha mít siêu sớm Chan-rai của Thái Lan xen kẽ với chanh tứ quý, đây đều là loại cây cho thu hoạch quả quanh năm, thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch ngắn; chất lượng sản phẩm thơm ngon, chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng.
Ông chia sẻ, để có được trang trại này như ngày hôm nay, ông cũng nhiều lần chịu cảnh thua lỗ, nhất là những năm đầu khởi nghiệp chưa có kinh nghiệm; cây giống, vật nuôi phải mua nhập giá cao từ nhiều nơi, nên khả năng thích nghi và sức đề kháng của con giống với môi trường và nguồn thức ăn mới không cao, dẫn tới chi phí chăm sóc, chữa trị cho vật nuôi bị đẩy lên; bên cạnh đó, giá bán lợn, cá thịt có thời điểm xuống thấp kéo dài; tiền thuê nhân công lao động ngày một cao...
Để khắc phục những khó khăn đó, ông đã tìm đến các lớp bồi dưỡng thú y; tham gia các cuộc hội thảo kỹ thuật trong và ngoài tỉnh, do các chuyên gia đầu ngành giới thiệu; cùng với tự nghiên cứu, học tập, tham khảo ở các trang trại bạn. Do đó, ông đã ứng dụng thành công vào mô hình trang trại của mình.
Nhiều năm qua, ông đã chủ động được 100% cây giống, vật nuôi, phục vụ cho sự phát triển của trang trại, đồng thời cung cấp cho các trang trại khác và nhân dân địa phương mỗi năm 600 con lợn, hơn 4 tạ cá và hơn 2 vạn cây giống các loại, góp phần phát triển nhân rộng mô hình kinh tế, tăng thêm thu nhập, giảm chi phí đầu tư mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Bằng những ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình nhà vườn, năm 2018 đã mang lại nhiều thành công mới cho CCB Lê Đình Hưởng. Sản phẩm của ông được người tiêu dùng đánh giá rất cao và đã được bày bán tại các siêu thị lớn như Vinmart; Co.opmart… như quả bưởi diễn gốc 15 năm trở lên; chanh có hạt gốc sang năm thứ 6.
Ông cũng chia sẻ về định hướng năm 2019 sẽ tập trung mạnh nhất vào canh, bưởi và ổi và mong muốn thực hiện được mô hình có kỹ thuật cao hơn để đưa ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn đến tay người tiêu dùng trong cả nước.
Trần Tuấn