Phú Thọ chuẩn bị chu đáo Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng (27/03/2012)
**Nhiều lực lượng cùng vào cuộc ** Mấy năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Đền Hùng, một trong những lễ hội lớn nhất nước, luôn được Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và LLVT tỉnh Phú Thọ quan tâm sát sao và ngày càng có nhiều chuyển biến tiến bộ. Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách về hành hương trong dịp Giỗ Tổ năm nay, Khu Di tích lịch sử (DTLS) Đền Hùng đã hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp các địa điểm bán hàng lưu niệm và các hoạt động dịch vụ, kiên quyết dẹp bỏ các quán cóc, hàng rong trên các đường vào trung tâm lễ hội. Đối với các điểm trông xe, ngoài các bãi đỗ ô tô do công an tỉnh và khu DTLS Đền Hùng quản lý, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo xã Hy Cương phải tuân thủ việc thu giá vé đúng quy định tại 5 bãi giữ trông xe gắn máy, xe đạp đã được cấp phép. Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu DTLS Đền Hùng cho biết: - Cùng với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp “chặt, chém” giá cả du khách, chúng tôi đã yêu cầu 13 khu vực trọng điểm với hàng trăm cửa hàng, quán kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện công khai việc niêm yết và bán hàng đúng giá đã cam kết. Ban tổ chức cũng sẽ xử lý mạnh tay, dứt điểm đối với các trường hợp ăn xin, ăn mày gây phiền lòng, phản cảm cho du khách về trẩy hội Đền Hùng. Qua tìm hiểu được biết, Khu DTLS Đền Hùng vừa thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch Đền Hùng với chức năng hướng dẫn, vận chuyển du khách tham quan, dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống. Năm nay, Trung tâm đã đưa vào sử dụng khu nhà nghỉ với 20 phòng đạt tiêu chuẩn và nhà hàng có sức chứa 800 thực khách. Cùng với lực lượng công an, Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ cũng đã vào cuộc tích cực để tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong dịp lễ hội. Thượng tá Mai Văn Lưu, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ cho biết: Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức lực lượng duy trì các tổ tuần tra, kiểm soát quân sự ở những khu vực trọng điểm của lễ hội và trên các trục đường chính. Một bộ phận quân y cũng được điều động để tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong những ngày chính hội. Truyền thống văn hóa Đất Tổ - điểm nhấn lễ hội Theo kế hoạch, những ngày chính hội Đền Hùng năm nay được tổ chức từ ngày 26 đến 31-3 (tức ngày 5 đến mồng 10-3 âm lịch) tại Khu DTLS Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các xã, phường lân cận. Nét mới trong Lễ hội Đền Hùng 2012 là trong phần lễ, ngoài Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, còn có Lễ rước kiệu của 6 xã vùng ven về Khu DTLS Đền Hùng vào ngày 29-3 (tức mồng 8-3 âm lịch) với sự tham gia của các đoàn ngoại giao, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam. Sự góp mặt của các vị quan khách quốc tế và UNESCO tại nghi lễ truyền thống này nhằm giúp họ có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn để tham gia góp ý, hoàn thiện và thẩm định hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trước khi đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tiếp tục quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương Đất Tổ là điểm nhấn xuyên suốt trong các hoạt động của Lễ hội Đền Hùng 2012. Trong đó có nhiều hoạt động giàu ý nghĩa như: Liên hoan Hát xoan và dân ca Phú Thọ; Đánh trống đồng, đâm đuống, múa sư tử; Đêm thơ nhạc về cội nguồn; Triển lãm ảnh “Các di tích thờ Hùng Vương”; Trưng bày ấn phẩm văn học nghệ thuật “Các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay”; Giao lưu dân ca các vùng, miền; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bành giầy; Hội thi bơi trải truyền thống… Một trong những hoạt động quan trọng trong dịp này là UBND tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp với một số cơ quan chức năng và viện nghiên cứu tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương - Hội tụ tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”. Trước đó, vào dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2011 tại Phú Thọ đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về “Tín ngưỡng thờ tổ tiên trong xã hội hiện đại - Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Việt Nam” thu hút hàng trăm nhà khoa học, nhà văn hóa trong và ngoài nước. Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương bắt nguồn từ quan niệm tín ngưỡng của nhân dân ta và xuất phát từ thực tế lịch sử xa xưa của dân tộc. Tín ngưỡng đó thể hiện lòng tri ân, thành kính của các thế hệ con cháu đối với tổ tiên. Vun đắp truyền thống văn hóa dân tộc là trách nhiệm, là phẩm giá của mỗi người con nước Việt. Hải Anh (TH)