Phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", xứng đáng lòng tin của Đảng, của dân

PV: Xin chúc mừng đồng chí và toàn thể Hội LHPN Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Đề nghị đồng chí cho bạn đọc Báo CCB Việt Nam cùng biết về những hoạt động, những kết quả to lớn đạt được của Hội ta trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy: Trong suốt chiều dài lịch sử 4 nghìn năm của dân tộc ta cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước hiện nay, phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng vô cùng quan trọng "Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang" góp phần tạo dựng nên đất nước như ngày hôm nay... Lịch sử, truyền thống, đồng chí biết rồi đó.
...Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tập trung cho cấp cơ sở, đa dạng hóa hình thức tập hợp, thu hút hội viên, tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan và phát huy khả năng của hội viên phụ nữ để tăng nguồn lực tổ chức các hoạt động thiết thực. Các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, hỗ trợ hội viên phụ nữ trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó tập trung vào triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (5 không gồm: không đói nghèo; không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực; không sinh con thứ 3 trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch gồm: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Cuộc vận động này được xác định là hoạt động cụ thể của các cấp Hội tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, trọng tâm là vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm để giảm nghèo bền vững; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Bên cạnh các hoạt động chăm lo thiết thực cho hội viên, các cấp Hội trong nhiệm kỳ này còn tăng cường công tác giám sát và tham mưu, đề xuất chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các chính sách, tham gia hiệu quả và phát triển kinh tế xã hội.
Một vài con số sau đây phần nào phản ánh kết quả hoạt động của các cấp Hội trong thời gian qua. Từ tháng 9-2009 đến 12-2011 đã có 21.440 cơ sở vùng đặc biệt khó khăn được cấp hơn 7.353.000 tờ báo, năm 2012 có 30.685 cơ sở nhận được 1.615.033 cuốn Báo Phụ nữ Việt Nam Chuyên đề dân tộc và miền núi. Hàng năm, hàng triệu hộ nghèo, trong đó có trên 400 ngàn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, được các cấp Hội giúp đỡ, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc. Năm 2013, hưởng ứng đợt thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” chào mừng 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua Ái quốc, cả nước có 11.662.903 hội viên (chiếm 77,5%) tham gia ít nhất một loại hình tiết kiệm, với tổng dư nợ tiết kiệm trên 4.262 tỷ đồng cho 1.175.327 người vay. Trong năm 2013, đã có trên 97.000 lượt phụ nữ được dạy nghề, trong đó trên 80% lao động nữ có việc làm sau học nghề. Hội LHPN các cấp nhận ủy thác 15/18 chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH, tổng dư nợ đạt 48.253 tỷ đồng (chiếm 41% tổng dư nợ qua ủy thác với các tổ chức chính trị xã hội). tăng 1.200 tỷ so với 2012, giúp 2,8 triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn.
Với những hoạt động đa dạng, hiệu quả của mình, Hội đã ngày càng tập hợp được nhiều đối tượng phụ nữ vào tổ chức Hội. Đến nay, Hội đã có trên 15 triệu hội viên, sinh hoạt tại 12.669 cở sở Hội.
PV: Hội CCB Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam có những quan hệ hết sức mật thiết. Đồng chí có thể chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động của các cấp Hội trong giảm nghèo, phát triển kinh tế trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy: Hội CCB Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chúng ta đều là những tổ chức chính trị - xã hội rất quan trọng trong MTTQ Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hàng triệu hội viên CCB đã và đang là hội viên Hội Phụ nữ và ngược lại; trong hàng chục triệu gia đình trên cả nước đều có hội viên của hai tổ chức chúng ta. Để làm tốt công tác xây dựng Hội; các cấp Hội chúng tôi xác định vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là khâu đột phá của nhiệm kỳ 2012-2017, trong đó phụ nữ chính là chủ thể của quá trình phát triển. Vì vậy, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lấy sức dân mà xây dựng cuộc sống cho dân”, các cấp Hội khơi dậy và phát huy truyền thống tương trợ, khai thác nguồn lực chính từ trong nội bộ chị em, động viên phụ nữ cả nước đoàn kết vượt khó và cũng là xã hội hoá nội dung xoá đói giảm nghèo cho phụ nữ. Các cấp Hội rà soát, lập danh sách hộ nghèo, tổ chức đăng ký giúp đỡ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và đề ra những biện pháp giúp đỡ thiết thực, phù hợp; ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên đổi mới, mở rộng, đa dạng hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình theo hướng thiết thực với từng nhóm đối tượng và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Đặc biệt đối với đối tượng phụ nữ nghèo, là những người thiếu cả vốn, kiến thức lẫn kỹ năng nên cần có những giải pháp đồng bộ. Trong công tác giảm nghèo, các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tín dụng để chị em có nguồn vốn sản xuất, vận động chị em vừa tăng gia sản xuất vừa thực hành tiết kiệm, tổ chức dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật bằng nhiều hình thức, xây dựng các mô hình hợp tác trong sản xuất kinh doanh và kết nối thị trường đầu ra. Đối với một số chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cấp Hội còn vận động xã hội để giúp họ “mái ấm tình thương”, từ đó chị em an cư và lạc nghiệp... Trong nhiệm kỳ này, các cấp Hội chú trọng việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ sản xuất; tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ. Đến nay đã có 336 mô hình được thành lập (16 HTX, 320 tổ hợp tác và tổ liên kết), góp phần tạo việc làm cho hơn 10.000 người và thu hút nhiều thành viên trong gia đình cùng làm nghề.
Những cách làm của hai tổ chức chúng ta đang góp phần cùng các đoàn thể trong MTTQ Việt Nam, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng đất nước Việt Nam XHCN ngày một mạnh giàu.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Lê Doãn Chiêu
(thực hiện)