Trong số này, chúng tôi xin chuyển tới bạn đọc, cuộc phỏng vấn riêng với ông. Kèm theo là 3 bài thơ của 3 vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm, do ông dịch lại.
Hỏi: Không ai giục, không ai đặt, không ai mua; bỏ việc, bỏ thời gian, bỏ tiền hưu trí ra để làm bao nhiêu sách, trong đó có “Trúc Lâm Tam Tổ thi”! Thưa nhà thơ Đỗ Trung Lai, vì sao mà phải khổ như vậy?

Trả lời: Lâu lắm rồi, tôi, một người học Vật lý, lại bị “đứt mạch” với Hán học từ khi được sinh ra giống như nhiều thế hệ trước và sau tôi, vẫn luôn mong mỏi và tìm nhiều cách để có thể hiểu được, cảm được, càng nhiều càng tốt, thi ca cổ điển ta nói riêng và văn hoá cổ ta nói chung, vốn được trước tác toàn bằng chữ Nho suốt hàng ngàn năm.
Tự nghĩ, nếu không thế, tức là nếu không hiểu và cảm được trước tác của cha ông, làm sao ta còn gốc Việt trong mỗi con người? Làm sao chúng ta có thể “Xây dựng một nền văn hoá… đậm đà bản sắc dân tộc” được? Đó là chưa nói rằng, nếu không “đậm đà bản sắc dân tộc”, thì mọi lối đi để nền văn hoá ta nhằm tới chỗ “tiên tiến” cũng rất dễ bị phiến diện, thậm chí chệch hướng! Mỗi người sẽ thế! Dân tộc cũng sẽ thế!
Đó là nói rộng, bây giờ, để cho hẹp lại, chỉ xin được nói về thi ca! Nhưng chẳng phải, thi ca vốn đã là nơi kết tinh tốt nhất của văn hoá đó sao? Đông đã vậy mà Tây, hình như... cũng vậy.
Lại tự nghĩ, muốn hiểu và cảm được phần nào, thi ca cổ điển Việt Nam, trước hết, nên (và phải?) hiểu và cảm được thơ Đường! Bởi vì, hầu hết thơ cổ điển Việt Nam được ông cha ta làm theo luật làm thơ Đường và dùng một cách “vô tư”, bao nhiêu điển tích từ thơ Đường. Lịch sử tạo ra việc ấy, chả có gì phải mặc cảm!
Từ sự “tự nghĩ” ấy, tôi bỏ ra 3 năm (2006-2008) tìm hiểu và dịch lại thơ của 3 cây đại thụ Đường thi là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị (đã in 3 tập về 3 vị ấy, năm 2008, ở NXB Giáo dục). Tôi lại bỏ ra hơn 5 năm nữa (2008-2014) để tìm hiểu và dịch lại thơ của 100 nhà thơ Đường xuất sắc (và quen thuộc ở Việt Nam) khác. Kết quả là, năm 2014, tôi in xong cuốn “100 nhà thơ Đường” ở NXB Hội Nhà văn.
Trong 4 cuốn sách vừa nói, tôi đã dịch lại được gần 500 bài thơ Đường. Ngoài các bản dịch theo nguyên thể, tôi cũng chuyển dịch chúng sang lục bát hoặc song thất lục bát, tức là tôi có gần 1000 bản dịch lại, theo khoảng 500 bài thơ Đường ấy, tức là tôi buộc phải “có”, tối thiểu, 5000 bản dịch thử!
Sau hơn 8 năm mày mò với thơ Đường như vậy, tôi bắt tay vào tìm hiểu và dịch lại thơ cổ điển Việt Nam. Với những kinh nghiệm của hơn 8 năm ấy, giờ “làm việc” với thơ cổ điển Việt Nam, tôi thấy rất hữu ích. Và, cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay - Trúc Lâm Tam Tổ thi (Thơ của 3 vị Tổ Trúc Lâm) - là cuốn đầu tiên của tôi về các nhà thơ cổ điển Việt Nam.

Hỏi: Bạn đọc thời nay, nhất là các bạn đọc trẻ, rất “ngại” khi gặp cổ văn, gặp sách dày! Phải chuẩn bị “tâm thức” thế nào, khi đọc “Trúc Lâm tam Tổ thi” đây?
Trả lời: Để đọc cuốn sách này, theo tôi, trước hết, bạn nên đọc kỹ, từ Lời nói đầu đến bài Thơ cổ điển Việt Nam, rồi đến 3 bài viết về 3 tác giả - Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Sau đó, chắc là bạn sẽ dễ hiểu, dễ cảm hơn, với từng bài thơ của Trúc Lâm Tam Tổ. Chả đi đâu mà vội! (Đọc lại thơ ở một thời cách ta đến gần 1000 năm, muộn thì cũng đã muộn rồi, vội vàng mà làm gì?). Với thi ca, nhất là cổ thi, không thể đọc như lướt web được! Cổ thi quá hàm súc (vì ngậm rất nhiều tri thức- điển tích) và hết sức tinh vi trong nghệ thuật tu từ. Đọc dần thành quen, các bạn sẽ thấy rất có lợi cho mình về mọi phương diện. Cổ thi, nếu đọc kỹ, không hề mâu thuẫn với thi ca đương đại. Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương... chẳng hạn, có bao giờ “mâu thuẫn” với những nhà thơ “thực” đâu? Không đọc được hay không được đọc cổ thi, là một thiệt thòi to lớn, đặc biệt là với những người yêu thơ và lại còn định... làm thơ!

Hỏi: Có người hỏi, ông không thạo chữ Hán, sao dịch được cổ văn? Ông trả lời họ ra sao?
Trả lời: Từ 4 quyển sách về thơ Đường kể trên, tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi - khen có, chê có. Có người còn mắng tôi là kẻ “nhai lại” Đường thi. Có người bảo, không học Hán học thì làm sao được! Nhân đây, tôi muốn nói rằng, đến loài “nhai lại” mà không chịu “nhai lại”, thì cũng không tiêu hoá được, nữa là ở ta, lâu nay có ít người “nhai lại” thơ cổ nhân quá! Mình mang tiếng là “nhai lại” cũng có làm sao? Có khi còn vinh dự là khác? Vì nhỡ ra có chút nào thú vị hơn khi “nhai đi” thì cũng tốt!
Mặt khác, nếu hỏi: Không học Hán học, làm sao làm được việc ấy, thì cũng buộc phải trả lời một câu hỏi khác: Có học Hán học mà không làm hoặc không làm được, thì học làm gì? Cổ nhân có câu: “Biết mà không làm, cũng tức là chưa biết vậy” (cho nên sinh thời, Cụ Hồ luôn khuyên: “Học phải đi đôi với hành”). “Biết” cao hơn “Học”, “Làm” cao hơn “Biết”. Sinh thời, ông Tào Mạt nói một câu rất “vô lý”: “Không học thì hơn”. Câu này lại có lý trong những trường hợp riêng, ví dụ như khi học phải một quyển sách viết sai chẳng hạn.
Vả lại, tài liệu về cổ thi còn khá nhiều - tiền nhân để lại sách tham khảo đâu có ít? Tự điển Hán - Việt, Việt - Hán, Phật học... đều có cả.
Vả lại, các từ trong tiếng Việt, bảy tám mươi phần trăm đã là từ Việt - Hán rồi..., lại còn những người đồng tâm, đồng chí giỏi Hán học và Phật học bên cạnh nữa, sao không “khâu nối” ngần ấy thứ lại để làm?
Vả lại, chắc không phải ai cũng được cha mình ru đến ngủ, bằng thơ Đường, thuở bé, như tôi?
Cho nên, vấn đề là phải đưa ra được những bản dịch mới, cố gắng để càng “đạt” hơn trước, Việt hóa hơn trước, thì càng hay, chứ không nên chỉ ngồi phán xét (vốn rất dễ làm), ra vẻ “kẻ cả” để vô can trước thực trạng tìm hiểu, phổ biến, dạy và học cổ thi, cổ văn hiện nay. “Đi như lôi, ngồi như buộc”! Sự dũng cảm nào cũng nên có thêm một chút liều lĩnh, một chút may mắn nữa.
Mặt khác, trong đời mình, tôi cũng đã từng gặp nhiều “kẻ cả” như vừa nói, nhưng hỏi kỹ thì hóa ra, họ thường không làm gì, hoặc cũng không biết gì nhiều lắm!
Mặt khác nữa, nếu không có tôi thì tất cũng sẽ có người khác làm. Không làm, thì như tôi đã nói, lấy đâu ra một “Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”? Tóm lại, mặc ai nói gì thì nói, đằng nào thì cũng… cứ phải “đi” đã!
Cũng xin được nói thêm, vì chúng ta xa Tam Tổ gần 1000 năm, lại không được học chữ Hán cũng không giỏi Phật học, hẳn cuốn sách này sẽ có những “hạt sạn”, khiến bạn chưa thật ưng ý khi thưởng thức. Hãy gửi lại cho tôi những “hạt sạn” ấy để tôi có thể làm khá hơn lên trong những lần tái bản (ĐT của tôi: 0913555911; Email của tôi: dotrunglai@yahoo.com). Cảm ơn!
Xin cảm ơn nhà thơ! Cảm ơn “Trúc Lâm tam Tổ thi”!
Quách Hồng Hải