Phóng sinh, hay phóng tử?
Bán chim để phóng sinh trước cổng chùa.
Nghe nói nhiều chùa ở Nghệ An, cũng như ở địa phương khác trên cả nước đều tổ chức lễ phóng sinh chim, cá vào ngày Rằm tháng bảy. Những người đi lễ Phật và các phật tử đều tin rằng phóng sinh để tích phúc. Thế nhưng, phong trào phóng sinh hiện nay về cơ bản không còn là một văn hóa thiện lành, đúng với tinh thần minh triết của đạo Phật nữa.
Nếu chim mà biết nói
Buổi sáng gần đến ngày Rằm tháng bảy, tôi đến chùa Cần Linh (T.P Vinh, Nghệ An) để tìm hiểu về việc người ta phóng sinh chim, cá. Tuy còn một ngày nữa mới chính ngày rằm (15-7 âm lịch), nhưng đã có rất đông phật tử và người dân đến chùa lễ Phật. Tôi thấy trước cổng chùa, có hai người với hai chiếc lồng sắt lớn đang tất bật bán chim cho người đi lễ mua để phóng sinh. Hàng trăm chú chim sẻ nhỏ bị nhốt, nhảy xao xác hoảng loạn. Có những con chim có lẽ đã bị nhốt nhiều ngày, đuối sức nên đờ đẫn dẹp mình vào góc lồng. Nó không đủ sức để nhảy nữa.
Rất đông người đi lễ chùa mua chim tại đây. Người bán thò tay vào lồng sắt lớn, chao cả nắm chim rồi bỏ vào những chiếc lồng tre nhỏ. Người mua đem vào chùa làm lễ, rồi phóng sinh. Mỗi người đi lễ chùa mua từ 10 đến 15 con chim tuỳ thuộc vào “lòng từ tâm” và điều kiện. Chim được bán với giá 20.000 đồng/con.
Một người phụ nữ trung niên mặc bộ áo nâu sồng, đang mua chim. Tôi hỏi chị: “Phóng sinh để làm gì?”, câu trả lời của chị là “Phóng sinh để mọi người ăn chay, không ăn thịt động vật”. Còn một người khác trẻ hơn thì nói: “Phóng sinh để tích phúc...”.
Qua cổng lớn vào sân chùa, có rất nhiều lồng chim và chậu cá, lươn đang để dưới những chậu cây cảnh chờ được thắp hương, làm lễ. Không biết liệu những chú chim nhỏ đang bị nhốt, phơi mình dưới cái nắng quái chớm thu có còn đủ sức để bay về với trời xanh khi được người ta phóng sinh...?
Vòng ra phía sau sân chùa, tôi nhìn thấy rất nhiều chú chim nhỏ đang nằm bẹp, thiêm thiếp dưới những bụi cây. Chắc chắn đây là những con chim đã được phóng sinh. Khi tôi đang chụp ảnh những chú chim tội nghiệp này, thì có hai con mèo bất chợt nhảy vụt lên bờ tường. Trên miệng con mèo còn ngoạm một chú chim còn sống... Rải rác sát chân tường là những con chim đã chết.
Rời chùa Cần Linh, tôi đến chùa Diệc (Tùng Lâm Diệc cổ). Ngay trước cổng chùa cũng có một người bán chim, nhưng trong lồng không còn chim vì đã bán hết. Các sư trụ trì của chùa đi vắng, nên tôi không tìm hiểu được việc thả chim tại đây, là do nhà chùa có chủ trương, hay người đi lễ chùa tự làm theo phong trào.
Khi tôi hỏi mua chim, người bán lễ dâng hương trước cổng chùa chỉ tay về phía những bụi cây. Nơi đó có hai người đang chui dưới những gốc cây để bắt chim vừa được phóng sinh. Họ đưa tôi hai cái túi giấy đục lỗ nhỏ xung quanh, trong đó nhốt những chú chim rất yếu, không thể bay được. Tôi từ chối mua vì nếu được phóng sinh, những chú chim tội nghiệp này lại bị bắt lại. Người bán hàng cho tôi biết: Từ hôm qua đến nay, những chú chim kia đã đươc phóng sinh đến lần thứ 5 rồi...
Nhìn mấy chú chim đang tuyệt vọng, oải mình dưới bụi cây mà không thèm chạy trốn con người, bất chợt tôi nghĩ nếu mà biết nói, thì chim sẽ kêu lên rằng: Chúng tôi đang tự do bay lượn trên bầu trời, đâu có cần “được phóng sinh” đến mấy lần như thế...!
Phóng sinh hay phóng tử?
Được biết trước Rằm tháng bảy hằng chục ngày, những tay thợ bẫy chim ở các vùng quê tại Nghệ An đã được “đặt hàng”. Chim được thu gom, rồi đưa về chợ Vinh, chuẩn bị phục vụ cho những người từ tâm mua chim để phóng sinh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu bán động vật ở chợ Vinh, hiện có ba hàng bán sỉ chim phóng sinh với hàng nghìn con chim đang bị nhốt. Những người bán rong lấy chim tại đây, đưa đến cổng các chùa để bán.
Trong buổi trà đàm với chủ đề phóng sinh theo góc nhìn của đạo Phật, tôi được Đại đức trụ trì một ngôi chùa ở xứ Nghệ chia sẻ: “Phóng sinh nghĩa là cho đi sự sống. Đây là thực hành nền tảng giáo lý Từ bi của nhà Phật, tôn trọng sự sống của muôn loài chúng sinh. Thực hành tâm nguyện này phải đặt trên nền tảng của trí tuệ, chứ không phải làm theo phong trào. Tình trạng ở nhiều chùa đang diễn ra (như tôi đề cập - TS) là “phóng tử”, không phải phóng sinh. Là tạo thêm nghiệp bất thiện chứ tích phước sao được”.
Trong đầu tôi bỗng hiện lên câu hỏi: Trong số những con chim được phóng sinh kia, có bao nhiêu con đang tha mồi về tổ cho bầy chim non chưa biết bay thì bị dính bẫy? Tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp.
“Vậy phóng sinh như thế nào mới đúng với tinh thần của giáo lý Nhà Phật thưa Thầy?” - tôi thưa. Đặt chén trà xuống, Đại đức chậm rãi nói: “ Nếu vô tình bắt gặp một con vật nào đó đang bị con người chuẩn bị làm thịt. Ta mua nó, cứu nó rồi đưa về nuôi nấng, hay trả về đúng môi trường phù hợp để nó tiếp tục được sống thì đó mới gọi là phóng sinh. Nếu có tâm nguyện phóng sinh, hãy cứ âm thầm thực hiện một cách có trí tuệ. Như thế công đức mới trọn vẹn, viên mãn.”.
Chia tay Đại đức, khi những cơn nắng lập thu đã đổ dài trên cánh đồng lúa trước chùa. Những con chim sẻ theo đàn bay lượn trên những bông lúa bắt đầu cong mình chờ thu hoạch. Tôi thầm mong, những con chim kia không “được phóng sinh” như đồng loại của nó hôm nay ở các chùa. Mong lắm chính quyền tỉnh Nghệ An sớm ban hành quy định “Cấm mua bán, phóng sinh chim và các loài vật khác” như chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm trước đó.
Mong lắm thay!
Thế Sơn