Phòng ngừa tai biến mạch máu não

*Biểu hiện của tai biến mạch máu não.
*
TBMMN thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Lứa tuổi mắc bệnh là trung niên hoặc cao tuổi. Những đối tượng có nguy cơ cao bị TBMMN bao gồm: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý van tim, nhất là khi có rối loạn nhịp tim kèm theo.

**Dấu hiệu nhận biết
**
Theo bác sĩ Trần Chí Cường, dấu hiệu điển hình của TBMMN là đi lại khó khăn. Ngoài ra, có thể thấy chóng mặt, mất cân bằng, mất định hướng; nói ngọng hoặc khó nói, không nói được; có thể có cảm giác lẫn lộn, không hiểu người khác nói gì; yếu, tê bì vùng mặt, tay, chân (triệu chứng tê yếu có thể xuất hiện đột ngột, đặc biệt quan trọng nếu xuất hiện ở một bên cơ thể. Cố gắng giơ cao hai tay cùng lúc, nếu một tay rớt xuống, điều đó gợi ý bạn bị TBMMN); đôi khi, triệu chứng yếu nửa người chỉ xuất hiện kín đáo, nhưng người bệnh bị méo miệng khi cười, nói; đau đầu; có thể có buồn nôn, nhìn mờ, mất ý thức.

Các biểu hiện thường xuất hiện đột ngột. Trường hợp nặng nhất, người bệnh thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê... Có bệnh nhân không có biểu hiện tê hoặc đau nào mà đột ngột đi vào hôn mê.

Cần lưu ý thời điểm xuất hiện triệu chứng, vì thời gian từ lúc bị bệnh đến lúc gặp nhân viên y tế có thể quyết định hướng điều trị của bác sĩ.

**Phòng ngừa TBMMN
**
Bác sĩ Cường cho biết: Có thể giảm nguy cơ TBMMN bằng cách dự phòng tình trạng xơ vữa mạch máu bằng cách:

Tăng cường tập thể dục, làm việc vừa sức, giảm cân, không ăn nhiều mỡ béo, nhiều chất bột, đường. Nên ăn nhiều rau, củ, trái cây.

Bỏ thuốc lá, thuốc lào vì các hoạt chất trong thuốc lá có thể gây tổn thương thành mạch, dẫn đến xơ vữa và hẹp mạch máu. Bỏ thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ xuất hiện TBMMN.

Theo dõi huyết áp định kỳ (mức lý tưởng cho mọi lứa tuổi là không quá 120/80mmHg). Khi đã được phát hiện tăng huyết áp phải uống thuốc đều hàng ngày theo đơn thuốc của bác sĩ và đi khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa. Tránh chữa tăng huyết áp theo kiểu khi nào thấy mệt hoặc nhức đầu mới uống thuốc.

Nếu bị đái tháo đường, phải ăn uống theo chế độ của người đái tháo đường, không ăn đường, giảm tinh bột, ăn nhiều rau, đủ đạm, ít béo, chia nhỏ bữa ăn, uống hoặc tiêm thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, tái khám và xét nghiệm máu định kỳ.

Bệnh nhân cần ngừng uống rượu, điều trị bệnh tim nếu có và chữa tăng cholesterol máu.

Thành An