Thực tế cho thấy, ngay trong khoảng thời gian cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, tại nhiều địa phương đã có những đợt mưa lớn, đặc biệt tại khu vực miền núi phía Bắc và gây nên những đợt lũ cục bộ, để lại hậu quả nghiêm trọng tại một số địa phương như Lai Châu, Hà Giang… và đây mới chỉ là giai đoạn đầu của mùa mưa lũ. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mùa
mưa bão năm nay, trên Biển Đông bão khả năng xuất hiện sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, ảnh hưởng mạnh đến khu vực phía Nam. Thêm vào đó, mùa mưa năm 2017 trên sông Cửu Long đến sớm. Lượng mưa tháng 6 và 7 ở khu vực thượng lưu sông Mê Công ít hơn so trung bình nhiều năm, hạ lưu xu hướng mưa sẽ nhiều hơn. Tây Nguyên và Nam Bộ mưa nhiều hơn trong các tháng 8, 9. Do mưa lớn, lũ đầu nguồn sông Cửu Long khả năng đến sớm, đến cuối tháng 7, mực nước trên sông Tiền tại Trạm Tân Châu, sông Hậu tại Trạm Châu Đốc có khả năng ở mức 2,5 đến 3m. Điều đáng nói, tuy đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ lên nhanh hơn bình thường, do mưa lớn tập trung kết hợp điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện. Thời gian xuất hiện mực nước cao nhất trong năm có khả năng vào nửa đầu tháng 10-2017. Trước nguy cơ về khả năng lũ sớm, lũ lớn, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai nhận định, trường hợp xảy ra lũ sớm, những vùng thấp trũng ngoài đê bao của các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An sẽ bị ngập. Khi có lũ lớn (tháng 10-2017), với hệ thống đê bao như hiện nay, cần đặc biệt quan tâm các vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, vùng ven sông, vùng cù lao... các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Thực tế cho thấy, tuy lũ chưa về nhưng nhiều điểm đã và đang sạt lở, nguy cơ sẽ tiếp tục sạt lở khi có mưa, lũ lớn ở vùng ĐBSCL.
Nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do lũ, ngập lụt có thể gây ra, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công để chủ động ứng phó kịp thời. Đặc biệt, cần quan tâm đến các khu vực dân cư, các hộ dân và kho tàng ở khu vực cạnh sông, suối để kịp thời di chuyển phòng tránh lũ quét, lũ ống; người dân ở vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, vùng ven sông, vùng cù lao… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cụm, khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó thiên tai, lũ lụt... Công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua còn nhiều hạn chế, một số bộ, ngành chưa quan tâm xây dựng kế hoạch phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) còn mang tính hình thức. Thêm vào đó, cần xác định việc phòng, chống thiên tai không chỉ là của cả hệ thống chính trị mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp, với tinh thần trước hết là bảo đảm an toàn cho chính mình và gia đình. Từ thực tiễn trong những năm có lũ lớn cho thấy, công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, phải dựa vào người dân và chính quyền cơ sở, cần triển khai ngay việc rà soát công trình phòng, chống thiên tai, khu dân cư, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng hoặc tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, công trình đang thi công để xây dựng phương án, bố trí vật tư, nhân lực, xử lý bảo đảm an toàn, rà soát, thực hiện kế hoạch di dời dân vùng có nguy cơ cao. Người dân ở các vùng thường hay bị ảnh hưởng của lũ lụt cần chủ động di dời tài sản, tích trữ lương thực thực phẩm, sắm sửa thuyền bè, dạy bơi cho tất cả mọi người trong gia đình để chủ động “sống chung với lũ”.
Phòng chống lũ lụt là việc cần làm ngay của mỗi người, mỗi đơn vị để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và của cải vật chất xã hội.
Bài và ảnh: Tiến Đạt - Quốc Huy