“Phong cụt”
Ngày hòa bình trở về quê hương, tôi dò tìm tin tức bạn. Thật bất ngờ, tôi gặp lại anh bằng xương bằng thịt. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, sung sướng. Phong bồi hồi tâm sự: Ngày đó được sự chăm sóc, cứu chữa tận tình của cán bộ và chiến sĩ Quân y viện 2 Tây Nguyên, anh đã dần dần hồi phục. Rồi Phong được chuyển từ Plây Ku ra Bắc trên một chuyến máy bay đặc biệt chở thương binh nặng. Thêm gần 3 tháng điều trị tích cực ở Bệnh viện T.Ư quân đội 108, tháng 8-1975, Phong chuyển về Đoàn điều dưỡng 225, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, rồi về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1990, hưởng ứng cuộc phát động của Đảng và Chính phủ, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, Nguyễn Văn Phong tình nguyện xin về điều dưỡng tại gia đình để có điều kiện cùng vợ chăm sóc bố mẹ già và các con. Lúc bấy giờ thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình quê anh là một địa phương nghèo của tỉnh, đường sá đi lại khó khăn, người dân vẫn quen với nếp làm ăn nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp nên đời sống còn rất vất vả.
Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, anh trở về với nhiều mảnh đạn còn nằm lại trong cơ thể, cụt 2 chân, mắt mờ... Phong là thương binh nặng hạng 1/4, mất sức lao động 97%, tưởng như không còn tương lai. Nhưng rồi anh đã tìm thấy tình yêu ở người vợ hiền, hết mực thủy chung, là cô Trịnh Thị Nhỡ. Sau ngày cưới, cũng như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, anh chị đã phải bươn chải với cuộc sống khó khăn khi đất nước vừa trải qua cơn binh lửa, bước vào thời kỳ khôi phục sau chiến tranh. Sức yếu lại tàn tật làm chẳng đủ ăn, nhưng anh chị vẫn tích cực tham gia lao động, vững tin sẽ có ngày đỡ vất vả.
Ngày qua tháng lại, với 8 sào ruộng, chăn nuôi đàn lợn hàng chục con, rồi tự tay mổ lợn đem bán... Cuộc đời như đền đáp lại công sức của vợ chồng Phong, cuộc sống gia đình ngày càng khá lên. Không dừng lại đó, cùng với số vốn đã có, anh chủ động vay mượn thêm để mở rộng sản xuất. Khi đời sống đã dần ổn định, vợ chồng anh tích cực tham gia phong trào từ thiện và bày cách làm ăn cho nhiều gia đình khác, giúp láng giềng thoát khỏi đói nghèo.
Cuộc chiến chống đói nghèo được nhen nhóm trong anh bắt đầu từ những ngày nấu rượu, nuôi lợn... Rồi Phong thành lập Tổ thương binh làm máy xay xát gạo, học nghề kim hoàn rồi chuyển sang kinh doanh kim hoàn vàng bạc, đá quý tại thị trấn Gia Bình. Nhờ sản phẩm làm ra có chất lượng, được nhân dân tín nhiệm, đồng đội đón nhận mà kinh tế gia đình anh từng bước ổn định và ngày càng cải thiện. Song với ý tưởng cùng quê hương làm giàu, năm 2006, anh thành lập Công ty TNHH Đức Phong 27/7, phát triển nghề truyền thống tre trúc của quê hương, với mục đích đem sản phẩm của quê hương đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Giờ đây, Công ty không chỉ giới thiệu sản phẩm do mình gia công mà còn cung cấp nguyên vật liệu cho bạn hàng trong và ngoài tỉnh… Hiện tại, Công ty của Phong thường xuyên có từ 20 đến 25 công nhân, đều là con em những CCB và đồng đội của anh, thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/ tháng/ người. Ngoài chi phí, gia đình anh giữ mức thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm và đóng nghĩa vụ cho Nhà nước, tích cực ủng hộ các phong trào từ thiện, uống nước nhớ nguồn trên 30 triệu đồng/năm.
Những đóng góp của Nguyễn Văn Phong được bà con ghi nhận. Anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì; các bộ, ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Nhưng có lẽ phần thưởng quý giá nhất đời anh là ba người con đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định, đời sống gia đình hạnh phúc, ấm êm. Còn chúng tôi vẫn gọi Phong bằng cái tên trìu mến: "Phong cụt" - người đồng đội “tàn mà không phế”.
Đó là đôi điều về bạn tôi, Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong 27/7, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, người CCB luôn giữ vững và phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, dũng cảm vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên quê hương quan họ văn hiến.
Nguyễn Quốc Lập