Phòng chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Cục Phòng chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi), khu vực ĐBSCL trải dài qua 7 tỉnh hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450km. Dọc các bãi biển ĐBSCL nhiều nơi sóng biển ăn sâu vào các bãi bồi từ 50-100m, đặc biệt là khu vực sông Tiền, sông Hậu; bãi biển các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang ngày càng trở nên nghiêm trọng; có những nơi như ở Cà Mau, trong 30 năm gần đây tại khu vực cửa sông Tràng Tràm đến xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển) mất khoảng 4.890ha đất với tốc độ xói lở, xâm thực bình quân 128ha/năm. Cùng với chuyện xói lở, xâm thực tại các bãi biển, hiện tượng sạt lở còn diễn ra rất phức tạp trong cả mùa khô tại các vùng sông, kênh rạch lớn thuộc các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp… Điển hình như tại tỉnh An Giang, hiện có 48 đoạn song thuộc diện cảnh báo sạt lở dài 156km, trong đó 10 đoạn thuộc diện rất nguy hiểm, 31 đoạn thuộc dạng nguy hiểm. Trung bình mỗi năm xảy ra 5-10 vụ sạt lở, làm mất 15-20ha đất, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng/năm. Tại TP. Cần Thơ, 5 năm gần đây, sạt lở đã làm 4 người chết, 5 người bị thương, 37 căn nhà bị sập với nhiều vụ sạt lở liên tiếp ven sông Cần Thơ. Tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra 17 điểm sạt lở làm trôi hơn 300m kè, 1.440m2 đất gây tổng thiệt hại 350 triệu đồng… Ở huyện Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long), đoạn đê bao song Long Hồ thuộc ấp Long Khánh, xã Long Mỹ chỉ trong ngày 23-5 đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở làm 70m kè trôi sông, làm nhiều hộ dân mất đất và sống trong lo sợ và phải di dời khẩn cấp… Chuyện sạt lở gây mất đất, mất nhà, thiệt hại về tính mạng con người ở các địa phương ĐBSCL không chỉ diễn ra vào đầu và cuối mùa lũ mà diễn ra cả trong mùa khô, gây nhiều thiệt hại về vật chất và sức khỏe, tính mạng con người, là vấn đề nóng, tình trạng báo động cho người dân và các cấp chính quyền.
Nguyên nhân của tình trạng sạt lở có nhiều. Ngoài những nguyên nhân khách quan là quy luật vận động tự nhiên, tác động của biến đổi khí hậu thì có những nguyên nhân chủ quan do chính con người gây nên như: khai thác cát sỏi trong các lòng sông quá mức, chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác nước ngầm gây lún đất, xây các hồ chứa, đập thủy điện dẫn đến thay đổi dòng chảy; ở nhiều địa phương, người dân bất chấp nguy hiểm vẫn dựng nhà sát mép sông…
Giải quyết triệt để, căn cơ vấn đề này là bài toán rất phức tạp nhưng không thể không làm được; đói hỏi sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và của mỗi người dân. Bên cạnh những biện pháp như trồng rừng ngập mặn chắn sóng vùng ven biển, đắp đê chắn sóng, kè bờ sông… để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông; những năm qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng ở một số địa phương đã xem xét, hạn chế bớt những dự án thủy điện, hồ thủy điện ít hiệu quả; giảm thiểu tình trạng khai thác cát sỏi bừa bãi ảnh hưởng đến dòng chảy… Với sự đầu tư to lớn về tiền của, các nghiên cứu khoa học, những năm qua, chúng ta làm được khá nhiều, nhưng trước tình trạng sạt lở liên tục và nhiều nơi như hiện nay ở khu vực ĐBSCL thì những việc làm tích cực như trên cần thực hiện nhiều hơn, liên tục và có tính chất lâu dài. Trước mắt, trong mùa mưa năm nay, để đảm bảo an toàn và tính mạng cho người dân trước tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, hiệu quả nhất vẫn là vận động người dân bỏ thói quen dựng nhà sát mép sông, bố trí địa điểm và nguồn lực để giúp người dân di dời nhà đến các vùng đất an toàn, đảm bảo sinh kế cho cuộc sống thường ngày.
Người dân và chính quyền cùng làm, hậu quả do sạt lở đất gây ra ở khu vực ĐBSCL nhất định sẽ được ngăn chặn, bảo vệ được đất đai, tài sản cũng như sinh mạng con người.
Thanh Huyền