Phòng bệnh viêm phổi mùa lạnh
Giáo sư Ngô Quý Châu hướng dẫn bệnh nhân cách phòng ngừa viêm phổi khi trời lạnh.
Viêm phổi diễn tiến nặng và nhanh hơn khi thời tiết lạnh, khiến người lớn, trẻ nhỏ dễ gặp biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.
Theo BS. Ngô Quý Châu - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội: Mùa đông là thời điểm vi khuẩn phế cầu, cúm... phát triển mạnh, làm cho bệnh viêm phổi diễn biến phức tạp. Trẻ em, thai phụ, người cao tuổi, có bệnh lý nền là những người dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi do sức đề kháng yếu.
Người bị viêm phổi thường có biểu hiện sốt, nghẹt mũi, sổ mũi, ho khan, ho có đờm, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu người mắc bệnh viêm phổi có thêm các bệnh lý nền như hen, tiểu đường... nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng đường hô hấp.
“Viêm phổi nếu không điều trị kịp thời, để lâu sẽ trở thành mạn tính, có thể gây viêm mủ màng phổi, áp xe phổi... Ban đầu, người bệnh sốt nhẹ nhưng sau đó sốt cao kéo dài, nhịp thở nhanh, đi tiểu ít, nếu trở nặng có thể gây tụt huyết áp, lú lẫn... Khi có những dấu hiệu này, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Viêm phổi nặng diễn tiến nhanh, có nguy cơ tử vong” - bác sĩ Châu cảnh báo.
Để phòng tránh bệnh viêm phổi vào mùa lạnh, bác sĩ Châu cho rằng: Cả người lớn, trẻ nhỏ, nhất là những người có bệnh nền cần tiêm vắc-xin. Hai loại vắc-xin chủ yếu để phòng các bệnh đường hô hấp là phế cầu và cúm. Vắc-xin cúm nên tiêm mỗi năm một lần, thời điểm phù hợp khi thời tiết bắt đầu trở lạnh. Không chỉ mỗi Covid-19 mà những người mắc bệnh cúm, viêm phổi, nhất là người có bệnh nền dễ diễn biến nặng, có nguy cơ tử vong.
Giữ ấm cơ thể, đường hô hấp khi ra ngoài khi trời lạnh bằng cách quàng cổ, đeo găng tay, đi tất chân, mặc quần áo dài tay... Thời tiết vừa lạnh, vừa ẩm, nhất là ở miền Bắc khiến quần áo không thể giữ nhiệt được nhiều. Nếu muốn mặc ấm thì người lớn, trẻ nhỏ nên mặc nhiều lớp quần áo mỏng thay vì một lớp dày vì giữa chúng có các lớp không khí để giữ nhiệt tốt hơn.
Ban ngày nên mở cửa cho thông thoáng nhưng vào buổi tối cần đóng lại vì khi ngủ, cơ thể ít hoạt động, không sinh nhiệt nên khi hít phải không khí lạnh vào thì đường thở dễ bị nhiễm trùng. Nếu nhiệt độ xuống sâu, gia đình có thể bật điều hòa, lò sưởi, tuy nhiên tránh để nhiệt độ chênh lệch cao giữa môi trường bên ngoài và nhiệt độ phòng. Ví dụ: Khi nhiệt độ bên ngoài 15 độ C, thì trong nhà có thể để khoảng 20 đến 22 độ C (nếu người già, trẻ nhỏ), nếu chênh lệch quá nhiều khi từ trong nhà ra ngoài đường dễ gây sốc nhiệt.
Mặt khác, người lớn, trẻ nhỏ nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, nhất là các vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau củ quả. Bệnh nhân viêm phổi phải tuân thủ dùng thuốc kháng sinh bác sĩ kê, nên uống nhiều nước vì dễ bị mất nước khi sốt, có thể uống nước hoa quả. Trường hợp sốt cao ra mồ hôi nhiều hoặc nôn sẽ mất điện giải nên có thể cần uống thêm oresol.
Thành An