Chiều 12/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp Đoàn người có công tỉnh Thừa Thiên - Huế nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội.

Nói chuyện thân mật với các bác trong Đoàn, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ vui mừng được tiếp Đoàn người có công với cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế nhân dịp đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội.

Phó Thủ tướng ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân trong tỉnh với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thừa Thiên - Huế là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng và an ninh. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt với nhiều chiến công hiển hách, đã góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có trên 110.000 người có công với cách mạng, trong đó 53 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 2.341 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn sống 72 mẹ); gần 19.000 liệt sĩ; gần 13.000 thương binh, bệnh binh và hưởng chính sách như thương binh; trên 31.000 người là cán bộ hoạt động kháng chiến; trên 30.000 người có công giúp đỡ cách mạng đã được Nhà nước khen thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp hằng tháng hoặc một lần; trên 5.000 người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 4.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng; hơn 1.200 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh; số đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng là 19.600 người.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao quà cho Đoàn người có công tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn ghi nhớ công ơn và có chính sách ưu đãi cho người có công. Các chính sách đối với người có công chủ yếu gồm: Hỗ trợ về nhà ở (Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); trợ cấp một lần hoặc trợ cấp, phụ cấp hằng tháng (mức chuẩn tại Nghị định số 99/2018/NĐ-CP); cấp thẻ bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; tiền tuất, trợ cấp nuôi dưỡng; mai táng phí; ưu tiên trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề và việc làm; đất đai, tín dụng để phát triển sản xuất. Ngoài ra, chúng ta cũng thường xuyên tổ chức các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công, gia đình chính sách.

“Chúng ta có làm bao nhiêu cũng không đủ để đền đáp công ơn của các lớp cha anh đối với Tổ quốc. Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải tăng cường nhận thức, có trách nhiệm và làm hết khả năng của chúng ta để quan tâm hơn nữa đến đời sống của người có công, gia đình chính sách”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết: Gần đây, sau đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị giao các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi để xử lý những vướng mắc, quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ công tác người có công; giao UBND cấp tỉnh rà soát bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 49/2017/QH14 ngày 13/11/2017 của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng (nâng mức trợ đối với người có công với cách mạng từ 1.416.000 đồng lên mức 1.515.000 đồng và hiện nay đang trình Chính phủ ban hành Nghị định mới theo đó, mức chuẩn để xác định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng lên là 1.624.000 đồng, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2019). Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20/7/2018 quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Chính sách người có công đang tiếp tục được hoàn thiện; Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 14/CT-BBT ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công với cách mạng.

Hiện nay, Chính phủ đang lập Đề án trình Quốc hội dự thảo Pháp lệnh sửạ đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công, theo đó chế độ, chính sách, ưu đãi đối với người có công ngày càng được nâng lên.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc quan tâm, chăm lo thực hiện chế độ chính sách cho người có công, thể hiện sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng mong người có công tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí của người chiến sĩ cộng sản, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ, trước hết là tuyên truyền gia đình, giáo dục con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Đại diện người có công tỉnh Thừa Thiên - Huế cảm ơn lãnh đạo Chính phủ và cá nhân Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dù bộn bề công việc nhưng đã luôn dành sự quan tâm cho người có công cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng; đây là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng phát triển, là tấm gương sáng trong giáo dục truyền thống đối với các thế hệ trẻ trên mảnh đất Thừa Thiên anh hùng./.

Lê Sơn