Phó thủ tướng: 'Sơ tán dân ở các thuỷ điện đang thi công'

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các quân nhân vụ sạt lở đất đá ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu di dời người dân và công nhân ở các thuỷ điện đang thi công, trong bối cảnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đối mặt lũ lịch sử.

Sáng 18/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác tìm kiếm, cứu hộ trong tình hình mưa lũ phức tạp tại miền Trung.

Lũ lịch sử

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4, cho biết hơn mười ngày qua tại Thừa Thiên Huế có mưa lớn. Mực nước tại sông Bồ đạt đỉnh 5,24 m vào 0h05 ngày 10/10, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,06 mét.

Lượng nước lớn và ngập diện rộng đã cô lập 5 huyện với hơn 20 xã, làm sạt lở, chia cắt giao thông. Hệ thống thông tin liên lạc thường xuyên bị mất, trong đó có A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 (cùng nằm trên dãy núi Phong Xuân, huyện Phong Điền).

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thêm trận mưa từ ngày 6 đến 11/10 vừa qua là lịch sử ở miền Trung, mưa trên phạm vi 5 tỉnh, trong đó Quảng Trị và Huế mưa liên tục 6 ngày gây ngập nặng, nhất là lưu vực sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sông Bồ (Thừa Thiên Huế).

Dự báo một tuần nữa mưa lũ lịch sử còn gây ra thiệt hại lớn cho miền Trung, Bộ trưởng Cường cho rằng cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương để vừa đảm bảo an toàn tính mạng, vừa kịp thời phục hồi đời sống sản xuất cho người dân vì đến nay nhiều nơi chưa có điện.

Hai mũi cứu hộ ở Rào Trăng và Hướng Hoá

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh cho biết, việc cứu hộ ở trạm kiểm lâm 67 đã hoàn thành với việc tìm thấy thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ. Riêng thuỷ điện Rào Trăng 3, lực lượng đang huy động tối đa người, phương tiện cơ giới khai thông tỉnh lộ 71, tìm 15 người còn lại.

"Ngoài việc cứu hộ, chúng tôi còn vận chuyển lương thực thực phẩm cho khu vực bị cô lập. Hai công nhân Rào Trăng 3 được tìm thấy trên lòng hồ", ông Nguyễn Doãn Anh nói và cho biết gần 1.000 người gồm quân đội, công an... đã tham gia cứu hộ.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết việc tiếp cận và tìm kiếm các công nhân ở Rào Trăng 3 đang là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, tuy nhiên hai hôm nay bị gián đoạn vì mưa lớn.

Ông Thọ đề nghị tiếp tục duy trì sở chỉ huy tiền phương cho đến khi kết thúc cứu hộ. Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 cử người có kinh nghiệm về kỹ thuật để thông tỉnh lộ 71 vì có nhiều đá to như xe ôtô, ngầm lớn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi làm việc.

Trước diễn biến phức tạp trên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng từ quân đội, công an phối hợp chính quyền địa phương để tìm đường nhanh nhất, ngắn nhất đến ứng cứu người bị nạn. Nhiệm vụ trước mắt là cả ở Rào Trăng 3 và ở Hướng Hoá (Quảng Trị).

Phó thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là Huế và Quảng Trị phải rà soát những điểm nguy cơ sạt lở, lũ cuốn để sơ tán dân. "Khu vực nguy hiểm ở đây không chỉ là nơi dân sống, mà cả người dân làm việc ở công trình, trong đó có các thuỷ điện", ông nói.

"Như vừa rồi ở Thuỷ điện Rào Trăng 3 là công trình đang thi công. Nếu thi công xong thì đã không nguy hiểm như thế. Do đó, vấn đề đặt ra là phải sơ tán tất cả các người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm", ông Dũng nói nói. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần kịp thời tương trợ người dân ở các vùng cô lập, thiếu lương thực, thuốc men.

Phó thủ tướng cũng cho rằng, thời gian vừa qua hệ thống hồ đập đã giúp điều tiết nước khi trời mưa quá lớn. Vì thế việc quản lý hồ đập cần đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn cho hạ du nhưng đồng thời cũng phải giữ nước để đảm bảo an ninh nguồn nước.

Ngày 18/10, trong khi Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tang lễ cho 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đường đi cứu nạn 17 công nhân mất tích ở thuỷ điện Rào Trăng 3, thì tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) xảy ra vụ sạt lở đất đá, vùi lấp 22 quân nhân Sư đoàn 337. Công tác tìm kiếm đang được tiến hành.

PV