Phó chủ tịch CCB người Thái xung kích lên tuyến đầu chống dịch
Ngay sau khi huyện Tương Dương, Nghệ An bùng dịch CCB Lim Văn Tứ đã xung kích lên chốt chống dịch tại bản Chăm Puông, xã Lưỡng Minh
Trước tình hình dịch Covid 19 kéo đến bản làng nơi anh đang sinh sống CCB Lim Văn Tứ (trú tại bản Lạ, xã Lưỡng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) đã viết đơn xung phong lên gác chốt nơi tuyến đầu chống dịch.
Anh Tứ còn nhớ ngày anh mới lớn lên, quê anh không có dịch covid-19, nhưng tệ nạn ma túy bủa vây cũng không kém. Trên đỉnh Pù Lôm là nơi các trùm ma túy nổi tiếng khắp cả nước lẩn trốn. Cái chết trắng gieo rắc khắp vùng quê hương của anh và bao thế hệ thanh niên đã không vượt qua được cám giỗ của “con ma trắng” này.
Vậy mà ngày đó anh Tứ đã tự đặt quyết tâm cho mình phải chịu khó học tập và vượt qua sự cám giỗ của ma túy. Quyết tâm cao, hành động thiết thực nên anh đã vượt qua sự cám giỗ này và nỗ lực học tập.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT mong muốn của anh trở thành kỹ sư cầu đường để về làm những cung đường còn gập ghềnh, đèo dốc nơi quê hương tạm phải gác lại. Bởi lẽ anh là con đầu của gia đình có bốn anh chị em nhưng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên anh ngừng học để cho các em đi học.
“Khao khát đi học tiếp lắm chứ anh, nhưng kinh tế gia đình không cho phép mà mình lại là con cả nên chịu hy sinh cho các em được đi học. Lúc đó mình mà đi học thì các em phải nghỉ thì tội chúng nó lắm” - anh Tứ tâm sự.
Lúc này vùng quê anh ma tuý vẫn đang hoành hành, không nghe lời dụ dỗ đi làm vàng tặc rồi lại dính vào ma túy lúc nào không hay nên anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Anh làm điều này vừa muốn phụng sự tổ quốc, tránh xa những cám giỗ từ cái chết trắng ở quê nhà, vừa để gom ít phụ cấp sau khi xuất ngũ thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư cầu đường còn dang dở của mình.
Đầu năm 2006, anh Tứ lên đường nhập ngũ biên chế vào Sư 10, Quân đoàn 3 đóng tại Tây Nguyên. Đến cuối năm 2007, sau 24 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về địa phương anh bắt tay ngay vào thực hiện ước mơ kỹ sư cầu đường của mình. Từ những đồng phụ cấp tiết kiệm được trong quân ngũ anh gom góp lại ra Hà Nội học Trung cấp cầu đường.
Sau 2 năm học tốt nghiệp trở về quê khi chưa kịp thực hiện ước mơ kỹ sư cầu đường của mình anh lại phải xếp lại đó bởi thời điểm này UBND xã Lưỡng Minh cần một cán bộ xã đội có ý chí, lập trường cứng rắn như anh làm việc. Gác lại ước mơ dang dở đó anh đi học khóa chuyên môn quân sự địa phương rồi về làm Phó xã đội trường xã Lưỡng Minh.
Trước những việc làm hành động thiết thực của anh phối hợp cùng với các đơn vị, ban ngành khác nên nạn ma túy nơi quê anh dần được xóa dần. Những cái chết trắng bủa vây bao năm nay đã lùi dần bớt nhưng nó vẫn còn đeo bám lại đó. Cùng với đó, bố mẹ ngày càng già, anh lấy vợ sinh con nhỏ nên anh bám trụ lại địa phương vừa làm việc công vừa phụ gia đình sản xuất kinh tế giúp vợ con và nuôi các em tiếp tục ăn học. Hiện anh đang là Phó chủ tịch Hội CCB xã Lưỡng Minh và luôn là lá cờ đầu trong các phong trào của địa phương.
Những ngày tháng 7, vừa qua khi địa phương anh dịch Covid 19 kéo đến bản Chăm Puông trong lúc toàn địa phương dốc toàn lực để ngăn dịch lây lan rộng để dập dịch hiệu quả, anh lại tiếp tục tình nguyện xung kích lên tuyến đầu chống dịch. Đến thời điểm ngày 2-8, huyện Tương Dương có 23 bệnh nhân dương tính với Covid 19 đã được phát hiện và hàng trăm người khác; các F đang được cách ly tập trung và tại nhà. Chăm Puông là nơi phát hiện nguồn dịch đầu tiên tại huyện Tương Dương. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khơ Mú nằm cách nhà anh hơn 20km cuộc sống người dân còn đói khổ.
Khi vừa lên chốt thấy vậy anh đã cùng với các anh em các đơn vị chụp ảnh gửi đi nhờ sự hỗ trợ của các cá nhân, tập thể để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân bản Chăm Puông. Không những vậy thấy nhiều gia đình phải đi cách ly tập trung cả nhà lại đến vụ cày cấy anh bàn với địa phương và anh em tổ chốt thay phiên nhau đi cày, cấy cho các gia đình. Hàng ngày anh cùng anh em trạm chốt còn thay phiên nhau vào các gia đình đã đi cách ly chăm sóc cho gà, vịt, lợn ăn thay họ. Không những vậy, do nơi đây nhận thức người dân còn hạn chế, đường rừng đường mòn, lối mở nhiều nên anh cùng mọi người trong tổ chốt đêm đêm đi từng nhà kiểm tra tránh việc trốn cách ly.
“Đều là người dân mình cả, còn khốn khó như nhau cả, nhất là lúc dịch bệnh như hiện nay. Tôi cũng như bao người khác thôi, đồng bào cả nước còn hướng về vùng dịch thì mình là người ngay tại địa phương, lại là cán bộ thì phải xung phong đi đầu, giúp dân là giúp chính mình. Điều này tôi đã được thấm nhuần từ những ngày trong quân ngũ” - anh Tứ chia sẻ.
Hàng ngày nơi chốt đầu chống dịch anh chỉ có nỗi nhớ gia đình nên tranh thủ lúc nghỉ ngơi gọi về nhà. Nơi sóng yếu chỉ nghe được tiếng vợ con là anh lại có thêm động lực bám chốt. Không những vậy anh luôn dặn người thân chủ động chống dịch, hạn chế đi lại và thực hiện nghiêm quy định của ngành y tế.
Thượng tá Hà Đình Tín - PCT Hội CCB huyện Tương Dương nói: “Anh Tứ nhiều năm qua là một trong những cán bộ CCB cơ sở hoạt động tích cực trong mỗi phong trào. Đặc biệt là công tác hỗ trợ mưa lũ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cảm hóa các thành phần lầm lỡ trong xã hội trở về địa phương. Lần này cũng vậy, khi địa phương phát hiện dịch anh xung phong ngay lên tuyến đầu ở chốt chống dịch. Với những việc làm ý nghĩa, thiết thực đó hàng năm anh Tứ luôn được các cấp ngành và Huyện Hội tặng bằng khen động viên”.
Xuân Hòa.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)