Philippines “tung hoành” tại PCA
Ngay trong ngày đầu tiên của phiên xử, Philippines tập trung làm rõ luận điểm rằng Trung Quốc không hề có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông. Luật sư Andrew Loewenstein-người từng được Chính phủ nhiều nước thuê làm đại diện ở nhiều phiên tòa bao gồm cả Tòa án Công lý Quốc tế tại La Hague, đã trình bày trước Tòa 8 bản đồ cổ từ thời nhà Minh của chính Trung Quốc, cho thấy khu vực nằm trong “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra chưa bao giờ là lãnh thổ của nước này. Ông Andrew Loewenstein khẳng định, Trung Quốc đã “không hành xử quyền độc quyền kiểm soát trong một thời gian dài” và lãnh thổ Trung Quốc ở vị trí cực nam được hiển thị chỉ đến đảo Hải Nam. Điều này cũng có nghĩa Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông như những gì mà nước này đã và đang rêu rao. “Trung Quốc đã dùng các quyền không có thực để vẽ nên đường chín đoạn bao trùm 3,5 triệu km2 trên Biển Đông”-Luật sư Andrew Loewenstein nhấn mạnh. Ông nói thêm, việc Trung Quốc đơn phương xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông đã làm ảnh hưởng đến chủ quyền và lợi ích kinh tế của các nước láng giềng. Cụ thể, Philippines và Malaysia có thể bị mất tới 80% vùng đặc quyền kinh tế; Việt Nam sẽ mất khoảng 50%; Brunei mất tới 90%.
Luật sư người Philippines-Philippe Sands khẳng định, Điều 121 trong UNCLOS không thừa nhận quyền hàng hải của các bãi đá bất chấp việc xây dựng của Trung Quốc. UNCLOS định nghĩa đảo là thực thể phù hợp để con người sinh sống và làm kinh tế trong khi các bãi đá mà Trung Quốc đang cải tạo lại không có sự định cư dân sự. Các Giáo sư Alan Boyle, Bernard Oxman, Clive Schofield cảnh báo việc hệ sinh thái biển ở Biển Đông bị nguy hại do các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo. Thực tế, hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc đã tiêu hủy 311ha rạn san hô ở Biển Đông. GS Boyle cũng cho rằng Trung Quốc đã vi phạm pháp luật khi tổ chức chiến dịch ngăn chặn tàu cá của các nước, thậm chí còn cố tình gây hấn, đánh chìm những con tàu này.
Ngày cuối phiên tòa, đoàn Philippines lần lượt trả lời các câu hỏi mà các thành viên bồi thẩm đoàn đưa ra nhằm làm rõ những cáo buộc mà Philippines đã trình lên trước đó. “Chúng tôi đã được trình bày toàn bộ những luận điểm của chúng tôi rằng đường chín đoạn Trung Quốc đưa ra không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã có một vụ kiện có lợi và hy vọng rằng sau phiên tòa này, chúng tôi sẽ có thể nhận được một quyết định từ Tòa án trong khoảng 6 tháng tới”-nữ Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines-Abigail Valte khẳng định.
Philippines đã chuẩn bị rất kỹ cho phiên xét xử với việc cử một đoàn 48 người gồm nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ, 6 Đại sứ nước này tại các nước châu Âu, các luật sư, chuyên gia, nhân chứng… Đặc biệt, Manila đã thuê hẳn một đoàn luật sư nước ngoài do Luật sư Paul Reichler của Công ty Luật Foley Hoag LLP (trụ sở tại Washington) dẫn đầu. Một điểm mới gây chú ý trong phiên tòa lần này là Anh chính thức yêu cầu được tham dự với tư cách “quan sát viên trung lập”. Trước đó, Tòa chỉ đồng ý mời các quan sát viên đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Australia, Indonesia và Thái Lan.
Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc.
Nguyên Phong