Philippines quyết đấu Trung Quốc ở Biển Đông
Nằm ở phía tây đảo chính Luzon của Philippines, đối diện Biển Đông và cách bãi cạn Scarborough chưa đầy 200km về phía đông, cách thủ đô Manila chừng 2 giờ chạy xe về phía bắc, Subic từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Trong những năm cao điểm Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 4 triệu lượt binh lính Hoa Kỳ được chuyển qua đây. Sau khi Philippines lấy lại căn cứ này, Subic được chuyển đổi thành một khu thương mại và công nghiệp.
Thực ra, kế hoạch mở cửa trở lại căn cứ Subic đã được Philippines triển khai từ năm 2013, sau sự kiện Trung Quốc vào năm 2012 chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Cùng với tuyên bố mở lại căn cứ quân sự Subic, quân đội Philippines cũng khẳng định sẽ điều động tàu khu trục cùng máy bay chiến đấu mới đến căn cứ này. Hãng Reuters cho biết, từ đầu năm 2016, hai máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50, nằm trong đơn đặt hàng 12 chiếc Manila ký hồi năm ngoái với Hàn Quốc, sẽ được điều về Trạm hải quân Cubi trong vịnh Subic, cùng với phi đội chiến đấu số 5 Fighter Wing được điều về từ một căn cứ tại đảo Luzon. Trong khi đó hai tàu khu trục sẽ được điều về cảng Alava.
Giới chuyên gia cho rằng sử dụng căn cứ Subic sẽ cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn với những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ, đi sát vào bờ biển của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines.
“Các máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 có thể tới bãi cạn Scarborough trong vài phút, còn các máy bay tuần tra biển hoặc máy bay không người lái có thể cập nhật thông tin thường xuyên về các động thái của Trung Quốc trong khu vực”, Patrick Cronin-chuyên gia về khu vực Đông Nam Á thuộc Trung tâm an ninh Hoa Kỳ mới tại Washington nhận định.
Chưa hết, giới phân tích còn cho rằng: Manila mở cửa căn cứ Subic đồng nghĩa với việc “mở đường” cho quân đội Hoa Kỳ quay lại đây. Ai cũng biết, Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng ký năm 2014 cho phép quân đội Hoa Kỳ triển khai tới các căn cứ tại Philippines “lâu hơn” cũng như xây dựng các cơ sở đóng quân cùng hạ tầng phục vụ hậu cần. Và “Subic có thể là một trong những địa điểm trong Thỏa thuận này”-Thứ trưởng Quốc phòng Philippines-Pio Lorenzo Batino tiết lộ.
Về phần mình, Lầu Năm góc cũng cho biết đã có những cuộc đàm phán không chính thức về vị trí các căn cứ tại Philippines. Phát biểu trước báo giới hôm 18-7, Đô đốc Scott Swift-Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định các lực lượng Hoa Kỳ được trang bị tốt và “sẵn sàng phản ứng trước mọi diễn biến bất ngờ trên Biển Đông”. Chính vị đô đốc này là người cuối tuần qua có mặt trên chiếc máy bay do thám P-8A Poiseidon trực tiếp tham gia chuyến bay giám sát trên Biển Đông, sau khi gặp gỡ các quan chức quân sự Philippines.
Trong một diễn biến liên quan, Philippines vừa tuyên bố không từ bỏ vụ kiện về Biển Đông tại Tòa trọng tài Thường trực (PCA) của LHQ ở The Hague (Hà Lan), để đàm phán trực tiếp với Trung Quốc theo lời kêu gọi từ phía Bắc Kinh. “Sau khi đã trình bày vụ kiện của mình trước PCA, chúng tôi chắc chắn phải theo đuổi hành động này đến cùng"-Thư ký báo chí của Tổng thống Philippines-Herminio Coloma nói sau khi phiên tòa kết thúc hôm 15-7. “Philippines khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế và ưu tiên giải quyết các vấn đề về lợi ích hàng hải theo quy định”.
Có thể nói, với quyết định tái mở cửa căn cứ Subic và đưa lực lượng không quân, hải quân đến căn cứ này, Philippines một lần nữa đang thể hiện tính quyết liệt trong việc đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Nguyễn Đăng Song