Philippin kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc tại La Haye (Hà Lan): Cơ chế “song phương” hay mưu đồ “chia để ép”?
Qua các bức ảnh, ta thấy phiên tòa được tổ chức rất nghiêm chỉnh trong Cung điện Hòa Bình 100 năm tuổi tại La Haye, là trụ sở của Tòa án Công lý quốc tế, do Thẩm phán Thomas Mensah-Chủ tịch đầu tiên của "Tòa án Quốc tế về Luật Biển" chủ trì. Hội đồng Trọng tài gồm các luật gia có uy tín, đó là các thẩm phán Jean Pierre Cot (Pháp), Stanislav Pawlak (Ba Lan), Ruddiger (Đức) và giáo sư Alfred H. Soons (Hà Lan).
Philippin cử đến Tòa đoàn đại biểu gồm 60 nhân vật quan trọng, như Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte và Thư ký điều hành Paquitas Ochoa, Ngoại trưởng Albert del Rosario, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Leila de Lima, Thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio, Phó thư ký điều hành các vấn đề pháp lý Menardo Guevarra, luật sư nổi tiếng thế giới Paul Reichler, Chủ tịch Ủy ban cố vấn Philippin cùng các giáo sư Philippe Sando QC, Bernard Oxman; các luật sư Alan Boyle và Lawrence Martin trong đoàn cố vấn, bà Abigail Valte-phát ngôn viên Tổng thống. Luật sư trưởng Florin Hilbay dẫn đầu đoàn.
Trong buổi điều trần, sau khi Ngoại trưởng Philippin đọc diễn văn nói rõ lý do Manila phải tiến hành vụ kiện vì mọi giải pháp đối thoại với Bắc Kinh đều vô hiệu, luật sư Paul Reichler đưa ra lập luận về quyền phân xử của P.C.A: "Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông" (D.O.C) cùng "Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á" (TAC) không xung đột với quyền giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài của "Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS)". Lý do là vì "Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông" không phải là thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý và trong Tuyên bố... không có điều khoản nào đi ngược cơ chế trọng tài. Còn "Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á" cũng nêu rõ về việc tìm các "biện pháp khác" để giải quyết tranh chấp. Philippin bác bỏ luận điểm của Bắc Kinh, cho rằng vụ kiện nhằm giải quyết chủ quyền đối với các thực thể trên Biển Đông, vì thế Tòa án không có thẩm quyền thụ lý. Còn với Philippin, vụ kiện nhằm yêu cầu Trọng tài phán quyết xem yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông có tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển mà Trung Quốc là một bên ký hay không. Vấn đề này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Tòa án...". Thẩm phán Philippin Antonio Carpio yêu cầu P.C.A tuyên bố: "Đường lưỡi bò của Trung Quốc là vô giá trị, trái với quy định trong Công ước LHQ về Luật biển 1982".
Từ tháng 12-2014, Bắc Kinh đã công bố văn kiện về lập trường đối với vụ kiện cho rằng "Tranh chấp không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước LHQ về Luật Biển vì nó là vấn đề chủ quyền, không phải quyền khai thác", một lập luận tối mò, đến trẻ con cũng không nghe nổi, cho rằng cả một công ước về Luật Biển được hàng trăm nước thành viên LHQ đặt bút ký lại không có quyền phân xử về "tranh chấp chủ quyền" mà chỉ có quyền phân xử về "quyền khai thác"? Vậy tranh chấp chủ quyền "kiểu" Trung Quốc thì Tòa án nào có quyền phân xử? Hay chỉ phân xử theo cơ chế "song phương" giữa Trung Quốc với nước bị xâm chiếm theo mưu đồ "chia để ép" của Bắc Kinh?
Không tham dự phiên tòa nhưng Bắc Kinh đã chỉ thị cho Đại sự quán ở Hà Lan chẳng những theo dõi phiên tòa rất chặt mà còn ra sức "vận động hành lang" để giành được lợi thế trong quá trình diễn biến phiên tòa, đồng thời liên tục hối thúc Philippin "rút đơn kiện về đường lưỡi bò".
Sau khi trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel nói tại một hội nghị ở Washington D.C rằng: "Cả Bắc Kinh và Manila là các bên ký Công ước LHQ về Luật Biển 1982, do đó về mặt pháp lý, họ phải tuân thủ theo quyết định của Tòa án trọng tài" thì Trung Quốc cho rằng Washington đang gây ảnh hưởng tới Tòa án: Ngày 25-4-2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc-Lục Khảng bình luận: "Hiện nay Hoa Kỳ đang cố thúc đẩy động thái đơn phương của Philippin đối với vụ kiện tại P.C.A của LHQ, kêu gọi Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông...". Tới ngày 22-7-2015, Trung Quốc lại "kêu gọi Philippin rút lại vụ kiện tại P.C.A về đường lưỡi bò ở Biển Đông, trở về bàn đàm phán song phương" (?) và từ bỏ vụ kiện". Đại sứ Trung Quốc ở Philippin-Triệu Giản Hoa khi được hỏi: "Liệu Philippin có nên rút vụ kiện tại P.C.A hay không?", đã được vị Đại sứ nhanh nhảu trả lời: "Chắc chắn là tôi hy vọng về điều đó, rằng Philippin sẽ ngồi lại với chúng tôi vì một cuộc thương lượng hòa bình... Cuộc thương lượng có thể đòi hỏi sự kiên nhẫn mất thời gian, nhưng đó là cách duy nhất về một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại song phương".
Trong khi đó, Trung Quốc cứ mặc nhiên hành động, coi toàn bộ đường lưỡi bò đã thuộc chủ quyền cố hữu của mình, như tiến hành diễn tập đối kháng thực binh, trong môi trường điện tử phức tạp có sự tham gia của hơn 100 tàu chiến, hàng chục chiến đấu cơ, tác chiến chống ngầm, trong suốt 10 ngày trên phạm vi kéo dài tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; như việc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, buộc chuyến bay của máy bay dân dụng thuộc hãng Laos Airlines, vào khoảng 10 giờ 30 ngày 25-7-2015, trên đường tới Vientiane phải quay về nơi xuất phát là sân bay quốc tế Gimhae ở Busan; như việc ngang nhiên dựng cột tiêu dẫn đường trên đảo Phú Lâm của Việt Nam; như việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng 7 đảo nhân tạo tại các bãi đá trên Biển Đông thuộc quần đảo Trường Sa...
Đối với mưu đồ "chia để ép", cơ chế song phương chỉ nhằm mua chuộc từng đối tượng!
B.P.K