Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu Khai mạc Phiên họp thứ 32.

Từ ngày 11 đến 13-3-2019, tại Hà Nội diễn ra Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thư viện và cho ý kiến về dự thảo  Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. UBTVQH cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018; xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, so với dự kiến chương trình đã thông báo đến các cơ quan có liên quan thì chương trình Phiên họp thứ 32 của UBTVQH có 5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình do các cơ quan không bảo đảm tiến độ chuẩn bị hoặc cần nghiên cứu hoàn thiện thêm. Đó là: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách T.Ư. Bên cạnh đó, còn một số cơ quan trình gửi hồ sơ quá muộn nên nhiều Ủy ban của Quốc hội phải tiến hành họp thẩm tra gần ngày họp của UBTVQH dẫn đến tài liệu gửi đến các thành viên UBTVQH bị chậm so với quy định.

Nhấn mạnh phiên họp lần này với nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị UBTVQH, các cơ quan có liên quan bố trí sắp xếp công việc, dự họp đầy đủ để thảo luận được đi vào trọng tâm vào các vấn đề cần được giải quyết.

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 bao gồm 3 điều, cụ thể: Điều 1 quy định về các nội dung sửa đổi, bổ sung, các khoản quy định nội dung sửa đổi, bổ sung được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản, điểm của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015. Điều 2 quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản. Điều 3 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện. Qua thảo luận, các thành viên UBTVQH cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung các nội dung nhằm hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước, tuy nhiên các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung mà Kiểm toán Nhà nước trình lần này lại chưa có sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Do vậy Kiểm toán Nhà nước cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật này.

Đối với Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận và nhấn mạnh: Quy định của Luật Dân quân tự vệ cơ bản bảo đảm với chủ trương phát triển lực lượng dân quân tự vệ tại Nghị quyết 28 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị về chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam. Tuy nhiên, cần tiếp tục quán triệt bảo đảm cho phù hợp giữa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tính tinh gọn của tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương mới được ban hành... Do đó, chủ trương nổi bật là làm sao để giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác... Ngoài ra, dự thảo luật cũng cần bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất với các luật khác, tránh có mâu thuẫn về chính sách, bảo đảm tính khả thi. Đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án luật đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

PV (tổng hợp)