Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên Lời giải cho bài toán khó (30/04/2009)
CHDCND Triều Tiên đã “ăn mừng” việc phóng thành công vệ tinh trong niềm vui “chiến thắng đáng tự hào” - Thời điểm phóng vệ tinh lại diễn ra đúng lúc bắt đầu nhiệm kỳ mới của Chủ tịch Kim Châng-in và trong khi CHDCND Triều Tiên đang tập trung vào mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh vào năm 2012. Trước sự kiện này, Mỹ, các đồng minh đã lên tiếng chỉ trích hành động mà họ cho là “khiêu khích” của Bình Nhưỡng và cáo buộc đó thực chất là vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng, vi phạm một nghị quyết của HĐBA năm 2006. HĐBA đã ra nghị quyết cấm mọi vụ thử tên lửa của nước này, yêu cầu Bình Nhưỡng phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của mình theo bản nghị quyết 1718 năm 2006 của HĐBA. Phía Nhật Bản cho rằng, CHDCND Triều Tiên vi phạm các nghị quyết 1695 và 1718 của HĐBA LHQ, theo đó cấm Bình Nhưỡng có bất cứ hành động nào liên quan đến tên lửa. Chính phủ Nhật Bản quyết định áp đặt các biện pháp cấm vận bổ sung đối với CHDCND Triều Tiên, đồng thời gia hạn một năm với các biện pháp cấm vận hiện nay. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lại phản đối các cáo buộc trên. Vì thế, dẫu có những lời tuyên bố “lên án” hay “dè dặt”, các nước tham gia đàm phán sáu bên gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều khẳng định cần duy trì đối thoại. Đây có thể coi là một thành công về ngoại giao của Triều Tiên, vì họ đã lôi kéo được chính quyền Ô-ba-ma vào những việc khó giải quyết. Mỹ sẽ phải tiếp thêm sinh lực cho cuộc đàm phán sáu bên nhằm tập trung vào vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Mặt khác, nó là một phản ứng thích hợp trong tình hình hiện nay. Bởi về lý, trong nghị quyết 1718 của LHQ năm 2006, cấm Triều Tiên phóng tên lửa sau khi nước này thử nghiệm hạt nhân, thì ngược lại, luật quốc tế và hiệp định về không gian nêu rõ là bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền tiến hành các chương trình không gian. Ngoài ra, những biện pháp trừng phạt mà LHQ đưa ra vào năm 2006, chủ yếu là kinh tế, cho đến giờ vẫn không hoàn toàn được áp dụng. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ áp dụng những “biện pháp cần thiết và mạnh mẽ” sau bất cứ hành động lên án nào của LHQ. Vừa qua, CHDCND Triều Tiên đã trục xuất các thanh sát viên hạt nhân quốc tế, tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình nguyên tử và rút khỏi đàm phán giải trừ hạt nhân sau khi HĐBA LHQ lên án vụ phóng tên lửa của nước này, cũng như kêu gọi mở rộng cấm vận Bình Nhưỡng. CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh, sự trách phạt của LHQ đối với nước này là không công bằng vì vụ phóng tên lửa hồi đầu tháng 4 là nhằm đưa một vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo. Bình Nhưỡng đã tái khẳng định lập trường nhất quán tẩy chay các vòng đàm phán hạt nhân 6 bên. Sự cương quyết của Triều Tiên đang khiến giới phân tích chính trị bối rối. Người ta càng quan trọng hóa vấn đề thử tên lửa, thì càng giúp Triều Tiên tạo thêm đòn bẩy thương thuyết. Những nước bị cô lập luôn tìm ra cách để đặt những nước lớn vào thế phải phòng thủ.
Các nhà phân tích cho rằng, việc phóng vệ tinh vừa qua sẽ tạo cơ hội cho Hàn Quốc ngồi lại đàm phán với Triều Tiên. Khi Mỹ đang bận khắc phục khủng hoảng tài chính và mải giải quyết những khó khăn tại áp-ga-ni-xtan và I-rắc hay I-ran, Hàn Quốc nên nhân cơ hội này nắm vai trò lãnh đạo lớn hơn, có trách nhiệm hơn để giữ vai trò đi đầu trong các cuộc thương thuyết với Triều Tiên. Khi đó, các cuộc đàm phán sẽ vẫn tiếp tục giúp CHDCND Triều Tiên trở nên dễ hiểu hơn với phần còn lại của thế giới. Người ta cho rằng, hành động dùng “con bài” tên lửa chỉ là sự nối tiếp trong chính sách đối ngoại của CHDCND Triều Tiên. Bởi Bình Nhưỡng muốn có sự đảm bảo về an ninh cho đất nước này, vốn đang bị cô lập; muốn được cung cấp viện trợ, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, phương Tây và mặt khác cũng muốn nâng cao vị thế của mình với các đối tác quan trọng như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc. Giới quan sát cho rằng, một sự đột phá trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ tùy thuộc vào thiện chí của các bên tham gia đàm phán, song mấu chốt để tháo ngòi căng thẳng chính là một đề nghị mới được đưa ra cho Bình Nhưỡng từ phía Oa-sinh-tơn.
Trước thách thức tế nhị này, Mỹ sẽ phải mềm dẻo và linh hoạt hơn, bởi đàm phán dù có khó khăn vẫn là điều không thể tránh khỏi. Không có sự lựa chọn nào khác là để các bên liên quan giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, thương lượng, hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tuấn Minh