Phép thử phiêu lưu
Triều Tiên khẳng định thử tên lửa chiến thuật mới.
Hai vụ thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra liên tiếp trong một tuần vừa qua lại dấy lên quan ngại về mối bất ổn an ninh tiềm tàng của một khu vực Đông Bắc Á. Sau 1 năm Triều Tiên không thử tên lửa, cũng gần như không có phát ngôn thù địch nào đáng lo ngại; hai vụ phóng tên lửa liên tiếp này được cho là “thuốc thử” phản ứng của chính quyền mới của Mỹ nhưng là phép thử đầy phiêu lưu.
Ngày 26-3, Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới một ngày trước đó. Theo đó, Học viện Khoa học Quân sự Triều Tiên đã phóng thử thành công hai tên lửa hành trình chiến thuật mới có thể bay theo những quỹ đạo bất thường ở độ cao thấp, "đánh chính xác mục tiêu đặt tại vùng biển cách bờ biển phía đông Triều Tiên 600km". Hãng thống tấn KCNA của Triều Tiên nhấn mạnh: “Sự phát triển của hệ thống vũ khí này có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố sức mạnh quân sự của đất nước và ngăn chặn tất cả các loại mối đe dọa quân sự hiện có trên Bán đảo Triều Tiên”.
Vũ khí hiện đại thì quả đúng là rất quan trọng để bảo vệ một quốc gia. Thế nhưng, câu hỏi vì sao sau 1 năm “im hơi lặng tiếng” thì nay Triều Tiên tiến liên tiếp thử liền hai vụ?
Lập luận việc thử tên lửa lần này là "phép thử" của Triều Tiên với chính quyền của Tổng thống Mỹ - Joe Biden không sai. Vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên vốn có lúc tưởng đi vào ngõ cụt thời ông Donald Trump làm ông chủ Nhà Trắng khi lãnh đạo hai nước gọi nhau là “người tên lửa” hay dọa nhau xem “nút bấm hạt nhân của ai to hơn”. Lại có lúc cả thế giới thở phào khi lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên lần đầu gặp thượng đỉnh ở Singapore năm 2018; rồi cả thế giới lại thất vọng khi hai ông không đạt được thoả thuận trong cuộc gặp lần thứ hai ở Hà Nội đầu năm 2019. Nhưng rồi hy vọng lai được nhen lên trong cuộc gặp của hai nguyên thủ ở giới tuyến hai miền Nam - Bắc Triều Tiên trước khi tắt lịm.
Tới nay, Triều Tiên lại thử tên lửa. Tất cả nỗ lực phi hạt nhân hoá lại trở về vạch xuất phát.
Bình Nhưỡng đã đưa ra “thuốc thử”. Washington đã ngay lập tức cho thấy lập trường cứng rắn nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Trong cuộc họp báo đầu tiên của mình ngày 25-3, Tổng thống Mỹ - Joe Biden cho biết: “Chúng tôi đang tham vấn với các đối tác và đồng minh. Chúng tôi sẽ đưa ra các phản ứng nếu họ lựa chọn leo thang. Chúng ta sẽ đáp trả tương xứng”. Tuy vậy ông Biden cũng nêu rõ: “Tôi cũng sẵn sàng cho một số hình thức ngoại giao với Triều Tiên, nhưng chính sách này phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của quá trình phi hạt nhân hóa”.
Vậy là đã rõ. Triều Tiên sẽ tiếp tục hứng các lệnh trừng phạt, thậm chí hà khắc hơn, nếu tiếp tục thử tên lửa. Và lần này, Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh. Tuy nhiên, cánh cửa đối thoại Mỹ - Triều rộng mở vẫn là một lựa chọn.
Thử phản ứng của chính quyền của ông Joe Biden có nhiều cách, tại sao Triều Tiên vẫn chọn cách cũ là dùng vũ khí thay vì gửi đi một tín hiệu hợp tác? Vũ khí rõ ràng có tiếng vang hơn và có sức uy hiếp hơn so với một đề nghị đối thoại. Tuy vậy, nếu nhìn rộng hơn thì thời điểm và cách thử phản ứng của Triều Tiên khiến giới quan sát cho rằng có sự giật dây từ Trung Quốc. Lập luận này có cơ sở khi cuộc họp Mỹ - Trung đầu tiên ở Alaska đã không thành công. Điều này có nghĩa quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục ở trong trạng thái cạnh tranh và thậm chí cạnh tranh toàn diện và mạnh mẽ hơn cả thời ông Trump làm Tổng thống. Ngay khi đại biểu Trung Quốc và Mỹ lớn tiếng với nhau cả tiếng đồng hồ, thì ở bờ bên này Thái Bình Dương, Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc - Tập Cận Bình cho biết: Nước này sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên và các bên liên quan khác nhằm thực hiện thỏa thuận chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên và gìn giữ hòa bình, ổn định ở bán đảo, qua đó đóng góp thêm vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực. Ông Tập Cận Bình khẳng định: Tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước là một tài sản quý giá của hai đảng, hai nước và hai dân tộc.
Nước nhỏ, nếu không có lập trường cứng rắn, sẽ rơi vào quỹ đạo cạnh tranh của các nước lớn. Độc lập, tự chủ và giải quyết các vấn đề trong quan hệ quốc tế bằng đối thoại sẽ có hiệu quả và tính ổn định lâu dài hơn “vung gươm” hay dựa vào nước này để chống nước kia.
Thanh Huyền