“Phép” dùng người
LTS: Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp thực chất là chọn người “tài cao, đức rộng” đại diện cho mình để định đoạt các vấn đề của đất nước (đại biểu Quốc hội) và địa phương (HĐND). Hướng tới bầu cử Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, Báo CCB Việt Nam xin góp bài viết “Phép dùng người”.
Phép dùng người từ xưa đến nay, dù thực lòng hay giả dối cũng phải dõng dạc phát ngôn “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”. Vì đây là bộ mặt của một xã hội, của một quốc gia. Rồi “Chiêu hiền đãi sĩ”, rồi “Đức và trí”, rồi “Tâm và tài”, sau này là “Hồng và chuyên”... Đây là cách nói gọn của “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” khi nhìn nhận về một con người.
Dù chế độ nào thì cũng cần hai tiêu chuẩn để đánh giá một con người: Nhân phẩm và tài năng. Vì nhân phẩm là cái vẻ đẹp văn hóa của xã hội, còn tài năng là cơ sở để làm cho xã hội phát triển.
Chế độ nào, thì nhân phẩm cũng được đưa lên hàng đầu, có thể là “hiền”, là “đức”, là “tâm”, là “hồng” (hồng ở đây phải hiểu là tư tưởng tiến bộ, là cách sống trong sáng, là phẩm chất cách mạng). Còn Đại thi hào Nguyễn Du khẳng định “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tất nhiên, cũng không thể đem “hồng thắm” để bù cho “chuyên sâu” và ngược lại.
Như vậy, xã hội, nhà nước cần cả “hiền” lẫn “tài”. Hiền bao giờ cũng đứng đầu, nhưng khi cân nhắc để chọn người, ta lại thường xét tài trước. Khi chọn được tài của người mà ta cần, mới xét hiền tiếp sau. Bởi trên thực tế, có lúc ta chấp nhận “con ngựa bất kham”, bởi ngựa bất kham thường là con ngựa hay mà ta cần đến, còn cái bất kham sẽ được trị dần qua quá trình dùng nó. Cũng như “người lắm tài thường hay nhiều tật”, biết để khi sử dụng cái tài của họ thì cũng cần uốn dần cái tật kia cho hoàn chỉnh. Tiếc rằng trong thực tế không phải lúc nào cũng làm được như vậy. Kỵ nhất là cái tài ngụy trang cho cái ác.
Năm 1985, tôi học ở Trường Bồi dưỡng cán bộ của Bộ, được nghe giảng: Nay muốn vào làm việc ít nhất phải mất 2 chỉ vàng, vì thế khi họ được nhận vào làm việc, thì suy nghĩ đầu tiên của người đó là làm thế nào để nhanh chóng thu hồi lại vốn bỏ ra... Vậy ta đừng trách thế hệ ngày nay sao mà dễ hư hỏng. Cái giá tiền của vị được giao trọng trách chọn người đặt ra, nhưng xã hội lại phải đau đớn trả về tính ưu việt. Vài chỉ vàng là cái giá thời ấy, chứ bây giờ thì... Bởi có lần tôi chứng kiến một ông bố khuyên con: Bây giờ, dù con đã tốt nghiệp đại học bằng đỏ hẳn hoi, nhưng muốn có việc làm tử tế thì cũng phải mất thêm 10 con trâu như trâu nhà ta nuôi, con ạ! Thôi thì...
Như vậy, “tổ chức” là ngành đứng mũi chịu sào trong việc chọn ra người hiền - tài. Họ còn tham mưu để chọn ra “Ban Kiểm tra”, “Ban Thanh tra”, “Ngành Tòa án”, những ban ngành như một “Bao công”. Thế nhưng, ngành hoạt động nào cho đến nay cũng không thực sự suôn sẻ, không vấp hiền cũng vấp tài, có khi vấp cả hai.
Có một cán bộ tổ chức tâm sự: “Khi chúng tôi chọn, thì người đó đúng là một cán bộ tin cậy, chẳng hiểu sao, sau một thời gian công tác họ lại đổ đốn ra vậy!”. Thế là việc giám sát, kiểm tra, thanh tra cơ quan đó làm chưa tốt. Nếu việc bỏ phiếu tín nhiệm mỗi năm ít nhất một lần và không làm kiểu hình thức, nể nang, bao che thì cũng hạn chế, hoặc loại bỏ những cán bộ sa sút này.
Từ đó, ta có thể nói, Ngành Tổ chức là ngành quan trọng nhất trong việc chọn ra người hiền - tài để làm việc công, mà những người cầm lái này sẽ làm cho chính quyền các cấp vững mạnh, làm cho quê hương đất nước ngày một thịnh vượng, sẽ được dân tin, dân yêu.
Để việc chọn đúng người hiền - tài cho đất nước, trước tiên phải làm trong sạch “Bộ phận tham mưu việc chọn người”. Về việc này, lịch sử các triều đại ở nước ta đã để lại bao bài học đau xót. Và ngay cả các nước nằm trong phe xã hội chủ nghĩa trước đây sụp đổ cũng vì vậy. Rồi nay lại thêm “nhóm lợi ích”, làm sao cho người dân yên tâm được. Vì vậy, khi nào việc chọn người để dùng phải nằm trong tay người hiền - tài làm việc ấy đã, thì hiền tài mới thực sự trở thành nguyên khí quốc gia.
Võ Giáp